Cha mẹ độc hại
04:07 13/10/2020
Không lạ gì khi những câu nói như “Thương cho roi cho vọt” hay “Con không nghe lời cha mẹ trăm đường con hư” trở thành những ý niệm ghim sâu trong đầu của phần lớn bậc phụ huynh. Tuy nhiên có một số cha mẹ dùng đó là cái cớ cho những hành vi tiêu cực và gây tổn thương lên con cái họ. Đó được gọi là toxic parents: những bậc cha mẹ độc hại. Độc hại, không đơn thuần dừng lại ở bạo hành về thể xác và tinh thần (qua lời nói) mà còn làm lệch lạc sự phát triển của con cái: từ kiểm soát quá mức cho đến lơ là, thiếu quan tâm.. và thậm chí cả việc bao bọc chiều chuộng quá mức. Tất cả đều có thể dẫn đến sự lạnh nhạt, bất hòa và tan vỡ giữa cha mẹ và con cái.
1. Những tín hiệu "đèn đỏ"
Dựa trên một số bối cảnh, các hành vi độc hại tiêu biểu thường gặp ở phụ huynh toxic phải kể đến như:
-
Áp đặt ý nguyện của bản thân và không quan tâm đến nguyện vọng của con cái
-
Hà khắc với con cái, lăng mạ, chỉ trích, mỉa mai khi con mắc lỗi
-
Xem nhẹ mọi nỗ lực của con cái
-
Không cho con tự do thể hiện suy nghĩ và cảm xúc
-
Kiểm soát, dò xét mạnh mẽ đời sống cá nhân của con
-
Cha mẹ không chịu thừa nhận lỗi lầm, cho rằng việc mình làm là “ban ơn” và con cái phải bù đắp lại cho mình
2. Các thể loại phụ huynh tiêu cực
Thuật ngữ “cha mẹ độc hại” chưa thực sự được để ý nhiều tại Việt Nam, và có thể được coi là "gay gắt" với một số bậc phụ huynh truyền thống, nhưng nó ngày càng phổ biến trong bối cảnh xã hội hiện đại. Hầu hết các bậc cha mẹ đều mắc sai lầm trong quá trình nuôi dạy. Song không phải lúc nào danh nghĩa “Ba mẹ làm là vì thương con” cũng đúng với mọi trường hợp, và đôi khi có nhiều hơn là 1 kiểu cha mẹ tiêu cực mà bạn nghĩ
-
Cha mẹ coi mình như thượng đế, "khi cuộc sống riêng tư của đứa trẻ bị bóp nghẹt"
-
Cha mẹ thờ ơ, "khi sự hiện diện của đứa trẻ gần như vô hình”
-
Cha mẹ điều khiển, "khi chỉ có 2 lựa chọn: lựa chọn của bố mẹ và lựa chọn sai”
-
Cha mẹ có hành vi bạo hành bằng lời nói, "trực tiếp/gián tiếp chì chiết đứa trẻ hết lần này đến lần khác"
-
Cha mẹ có hành vi bạo hành thể xác, "khi gia đình không là nơi an toàn"
-
Cha mẹ là người lạm dụng ma túy, " khi đứa trẻ phải chịu đựng tất cả hành vi trên"
3. Lối thoát nào cho cả hai?
Trong những gia đình độc hại, hành vi tiêu cực xảy ra trong thời gian dài và tần suất nhiều, và những vết thương cảm xúc của con cái không được bù đắp đúng cách có thể để lại dấu ấn vĩnh viễn lên hình thành con người và có thể, gia đình của chúng sau này. Không ai được chọn ra đình mình sinh ra, và việc lớn lên với những ông bố bà mẹ độc hại đôi khi rất nặng nề. Tuy nhiên, không bao giờ là quá muộn và bạn vẫn luôn có khả năng tạo ra hạnh phúc cho cuộc đời mình. Mặc dù bạn không thể thay đổi hành vi của người khác, nhưng bạn có thể thiết lập ranh giới có thể hạn chế tương tác của bạn với những bậc cha mẹ độc hại. Hãy hiểu rằng:
-
Chất kích thích và việc làm đau thân thể không giúp bạn giải quyết vấn đề. Tác động nhất thời có thể làm “tê liệt” nỗi đau của bạn nhưng sau rồi hiện thực vẫn như cũ và bạn có thể sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề như: nghiện chất, rối loạn tâm thần...
-
Việc tha thứ chỉ có ích khi bạn đã giải tỏa những cảm xúc dồn nén của bản thân
-
Không thể thay đổi cha mẹ. Hãy chỉ tập trung vào những gì bạn có thể kiểm soát: phản ứng của bạn đối với những hành vi của họ.
-
Thiết lập ranh giới rõ ràng. Bạn hoàn toàn có thể nói “Không” nếu như ba mẹ đi quá giới hạn.
-
Cho mình không gian riêng. Tránh xa họ nếu cần, nếu việc dành thời gian ở bên gia đình khiến bạn khổ sở, và bạn vẫn có thể quan tâm gia đình từ xa.
-
Tự chăm sóc cho bản thân, bắt đầu từ những thói quen rất nhỏ. Hiểu rằng bạn không hề tệ hại, và ai cũng xứng đáng được yêu thương
- Bài viết liên quan
-
Làm cha mẹ ở tuổi vị thành niên?