CHÁNH NIỆM VÀ VÒNG TRÒN THẤU CẢM-NƠI NHỮNG NỖI BUỒN ẤU THƠ ĐƯỢC VỖ VỀ

10:36 17/12/2022

Từ tháng 07/2021 đến nay, trong khuôn khổ dự án Bảo Vệ Tương Lai, Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) đã phối hợp với Sống thiền triển khai chuỗi các hoạt động nâng cao sức khỏe tinh thần cho nhóm thanh thiếu niên sử dụng chất và có trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu.

“Giống như một giọt nước khi lan ra”

“Điều ý nghĩa nhất mà thiền mang đến cho mình là những niềm hạnh phúc giản dị, chân thật. Chúng hiện diện ở khắp mọi nơi, bất cứ ai, trong bất cứ hoàn cảnh nào, bất kể lứa tuổi nào, dù cho bạn giàu nghèo, hay làm công việc gì, đều có thể tận hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc ấy.”  Thu Thuỷ, Đồng sáng lập Sống thiền“Điều ý nghĩa nhất mà thiền mang đến cho mình là những niềm hạnh phúc giản dị, chân thật. Chúng hiện diện ở khắp mọi nơi, bất cứ ai, trong bất cứ hoàn cảnh nào, bất kể lứa tuổi nào, dù cho bạn giàu nghèo, hay làm công việc gì, đều có thể tận hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc ấy.”

Thu Thuỷ, Đồng sáng lập Sống thiền

Sau một vài năm làm việc tại một công ty đa quốc gia, Nguyễn Thu Thuỷ, Đồng sáng lập Sống thiền, nhận thấy mình có những câu hỏi về bản thân, về hạnh phúc và giá trị sống mà công việc và cuộc sống hiện tại không trả lời được. Năm 2015, Thuỷ nghỉ việc và học Thạc sĩ chuyển đổi ngành Tâm lý học tại ĐH Essex, Anh Quốc với mong muốn tìm hiểu tâm trí con người và trả lời cho câu hỏi: Điều gì thực sự khiến con người hạnh phúc và làm thế nào để có nhiều hơn những điều đó?

Nhân duyên đưa Thuỷ đến với thiền – chánh niệm (mindfulness). Từ một người không có truyền thống tôn giáo trong gia đình và luôn nghĩ nghệ thuật không dành cho mình, Thuỷ từng bước đập vỡ những rào cản và giới hạn của bản. Nhận thấy những tác động tích cực của thiền và các thực hành nghệ thuật lên sức khỏe tâm trí và cuộc sống của mình, cùng với hai người bạn, Thủy sáng lập Sống thiền, mong muốn đưa những phương pháp thực hành vào đời sống thông qua các dự án cộng đồng. 

Từ năm 2019, Thuỷ bắt đầu điều phối những workshop sử dụng thiền, múa, nghệ thuật sáng tạo trong chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhiều đối tượng dễ tổn thương, với niềm tin rằng khi có một không gian đủ an toàn và dám trải nghiệm, ai cũng có thể tiếp xúc với nguồn lực mà họ cần để hàn gắn và phát triển. Chính vì vậy, khi nhận được lời mời hợp tác từ dự án Bảo Vệ Tương Lai, Sống thiền nhận thấy đây chính là cơ hội để lan tỏa những giá trị này.

“Bản thân bọn mình chỉ có ba cô gái, không thể làm được tất cả mọi thứ. Nhưng giống như một giọt nước, khi lan ra, bọn mình muốn tạo ra những vòng tròn nối tiếp nhau như thế.”

Thu Thuỷ, Đồng sáng lập Sống thiền

Chánh niệm là gì?

Chánh niệm là một khái niệm có nguồn gốc từ Phật giáo, được giới khoa học Tây phương định nghĩa là khả năng tập trung vào thời điểm hiện tại, với thái độ không phán xét, và có thể được nuôi dưỡng nhờ thực hành thiền định. Từ năm 1979, các thực hành chánh niệm dần được nhiều người biết đến ở phương Tây nhờ các chương trình đào tạo về chánh niệm, nhằm giúp giảm lo âu, căng thẳng cho các bệnh nhân bị bệnh mãn tính, được phát triển bởi Ts. Jon Kabat-Zinn. Cùng với đó, cũng có những nghiên cứu thực tiễn về các phương pháp can thiệp cho nhóm đối tượng sử dụng chất và/hoặc có trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu. Trong đó, các can thiệp dựa trên chánh niệm đã cho thấy nhiều tác động hiệu quả lên sức khỏe tâm thần và hành vi của những người tham gia.

Ảnh: Sống thiền điều phối hoạt động cho cộng đồng

Trong khuôn khổ dự án Bảo Vệ Tương Lai, SCDI và Sống thiền đã dựa trên những kết quả nghiên cứu và các phương pháp can thiệp được chứng minh là có hiệu quả để xây dựng khung can thiệp và triển khai thí điểm đối với một nhóm thanh thiếu niên sử dụng chất và có trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu trên địa bàn Hà Nội. Từ đó, nhằm giảm nhẹ những ảnh hưởng tiêu cực của các trải nghiệm này tới cuộc sống hiện tại của người tham gia, hướng tới hiệu quả lâu dài là giảm bớt hành vi sử dụng chất. Cụ thể, nhóm dự án xác định sẽ xây dựng và triển khai chương trình can thiệp dựa trên chánh niệm, bao gồm hai mục tiêu chính: giảm căng thẳng, lo âu, trầm cảm, nâng cao chất lượng cuộc sống và tăng sức bật tinh thần, nâng cao lòng tự trọng của người tham gia. 

Nơi những nỗi buồn ấu thơ được vỗ về

Chương trình can thiệp đầu tiên – Khóa học “Chánh niệm và Vắc-xin cho tinh thần” #1 diễn ra từ 29/7-30/8/2021, với đối tượng tham gia là thanh thiếu niên trong độ tuổi 16-24 có tiền sử sử dụng chất. Dù đã có nhiều kinh nghiệm làm việc với người trẻ và nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, nhưng đây là lần đầu tiên Sống thiền có cơ hội tương tác với các bạn thanh thiếu niên sử dụng chất, trong đó nhiều bạn có trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu.

“Mặc dù trước đó đã đọc rất nhiều, nghe kể rất nhiều, nhưng khi nghe trực tiếp nghe các bạn chia sẻ về những tổn thương thời thơ ấu, mình vẫn thấy rất xúc động và tự hỏi: liệu mình có thể làm gì để hỗ trợ và đồng hành cùng các bạn ấy?”

Thu Thuỷ, Đồng sáng lập Sống thiền

Để có thể đưa chánh niệm vào thế giới của thanh thiếu niên sử dụng chất, SCDI và Sống thiền đã cùng thảo luận để có những điều chỉnh về cách thức truyền tải nội dung và điều phối lớp học sao cho phù hợp với đối tượng của lớp. Nhóm dự án đã linh động chuyển các thuật ngữ chuyên môn thành các cụm từ gần gũi, gắn với đời sống, chẳng hạn như “Làm thế nào để yêu người yêu hơn?”, “Hoà giải những tranh cãi trong nhà”, “Để bố mẹ hiểu mình hơn” hay “Làm gì khi cảm thấy cô đơn?”. 

Dựa trên nhu cầu của người tham gia, khoá học được thiết kế với bốn chủ điểm thực tiễn, bao gồm tình yêu, giao tiếp trong gia đình, xử lý nỗi cô đơn và cảm xúc mạnh, quyền lực đích thực – giá trị cốt lõi của bản thân. Trong các buổi học này, đội ngũ điều phối viên Sống thiền đã tạo ra một không gian an toàn, truyền đạt những kiến thức về tâm lý học nhằm giúp người tham gia nhận thức rõ hơn về cảm xúc, suy nghĩ, hành vi của mình trong các mối quan hệ với người xung quanh. Bên cạnh đó, các bạn cũng có cơ hội lắng nghe, chia sẻ, thảo luận nhóm để thấu hiểu và biết cách áp dụng chánh niệm trong việc xử lý các trải nghiệm tiêu cực trong đời sống.

“Em học được cách buông bỏ nếu cảm thấy mình có chuyện buồn gì đấy. Trước đây sẽ giữ trong lòng rất lâu. Giờ em buông bỏ, không dằn vặt trong lòng mình nữa...”

“Em không phản ứng thái quá như ngày trước nữa. Ngày trước khi em buồn hay tức giận, em có thể đập đồ trong phòng. Gần đây thay mỗi khi tức, em sẽ hít thở sâu và điều hòa lại cảm xúc của mình.”

“Em nhớ nhất phần 5 ngôn ngữ yêu thương. Lúc đầu thấy sến sến nhưng sau đó em đã nhắn tin cho bạn bè để chúc ngủ ngon."

“Dạo này em hay gọi cho bố và nói chuyện thường xuyên hơn. Gọi 20 phút lận, nói chuyện, hỏi chuyện nhau và chia sẻ nhiều thứ. Ngày trước có khi 3 tháng em mới gọi về...”

Không chỉ nhận được sự phản hồi tích cực của học viên, kết quả từ các thang đo tâm lý - sức khoẻ tâm thần và phỏng vấn sâu sau khóa học đầu tiên cho thấy các bạn thanh thiếu niên đã phần nào tăng khả năng tự phục hồi, giảm lo âu, thay đổi cách nhìn nhận sự việc, dần áp dụng những kỹ năng học được vào giao tiếp và kết nối với những người xung quanh, nhất là mối quan hệ với gia đình, bạn bè.

Nơi những người chăm sóc được “chăm”

Các tổ chức dựa vào cộng đồng (Community-based organizations – CBOs) đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối và hỗ trợ các bạn thanh thiếu niên sử dụng chất và có trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu. Chính vì vậy, nhóm dự án đã tiến hành xây dựng và triển khai 02 khoá học từ tháng 10/2021 đến tháng 1/2022 dành cho các tiếp cận viên cộng đồng. Nếu như Khoá học “Chánh niệm và Vắc-xin cho tinh thần” #2 cung cấp những kiến thức nền tảng về các can thiệp dựa trên chánh niệm và vòng tròn thấu cảm thì Khoá học “Thực hành chánh niệm và vòng tròn thấu cảm” tập trung vào thực hành chuyên sâu, giúp người tham gia có thể ứng dụng vào công việc và đời sống gia đình.

“Khi làm việc với các tiếp cận viên cộng đồng, mình nhận ra đây chính là những người có thể cùng chúng mình tạo ra hiệu ứng vòng tròn. Khi mình truyền cảm hứng, kỹ năng đến một người tiếp cận viên ở đây, họ có thể lan tỏa và chăm sóc 10-20 bạn trẻ trong cộng đồng.”

Ảnh: Một tiếp cận viên cộng đồng tư vấn cho khách hàng

Xuất phát từ thực tế quá trình làm việc, các tiếp cận viên cộng đồng phải tương tác với rất nhiều bạn có những tổn thương thời thơ ấu, nhóm dự án đã xây dựng nội dung khóa học xoay quanh: chăm sóc bản thân – chăm sóc cho người khác – chăm sóc cho môi trường sống và thiên nhiên. Nhiều nội dung của khóa học có thể áp dụng vào thực tế cuộc sống, như chánh niệm, ngôn ngữ yêu thương, mô hình bộ não, cách nhận diện và quản lý cảm xúc, nhận diện tác động của trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu, thực hành giao tiếp phi bạo lực và làm mới mối quan hệ gia đình.

“2h ngủ dậy, 3h thiền, tôi thấy hơi đau dọc cột sống xuống thắt lưng. Tự nhiên nghe tiếng kim đồng hồ thú vị đến lạ kỳ. Mọi khi thấy khó chịu, lần này mình lại cảm thấy hay, tiếng máy giặt quay đều đều nhẹ nhàng, tiếng con gì kêu két két ngoài vườn vọng vào, nghe thấy hay hay...” (Người tham gia chia sẻ)

“Khi tôi mang bao bơm kim tiêm đi phát cho anh em, chỗ phát là một quán nước của ông cụ mọi khi tôi vẫn ngồi uống nước. Hôm đó, ông cứ ra mắng, chửi, mình cáu lắm, điên ruột lắm nhưng nhớ ra là nên dừng lại, quan sát đã…” (Người tham gia chia sẻ)

Mỗi thay đổi nhỏ trong nhận thức và những chia sẻ về việc thực hành chánh niệm trong đời sống của người tham gia luôn là niềm hạnh phúc to lớn đối với nhóm dự án. Chị C., sau buổi thực hành quan sát đơn thuần, chia sẻ về khoảnh khắc chị cảm nhận được sự thú vị của những âm thanh “tiếng máy giặt, tiếng quạt” chứ không còn thấy “ồn ã” như mọi khi. Hay như anh B. đã biết cách dừng lại quan sát cơn giận của mình. Anh nhận ra cơn giận có tính lây lan, đôi khi còn lây sang khách hàng của mình, vì thế anh đã có những thay đổi hành vi phản ứng khác với mọi lần.

Khoá học đã tạo ra không gian để những tiếp cận viên cộng đồng -  những “người chăm sóc” học cách quay trở về chăm sóc đời sống tinh thần của chính mình. Có chăng chỉ khi thực sự khỏe mạnh và hạnh phúc, họ mới có thể tiếp tục trao đi năng lượng tích cực và vững bước trên hành trình hỗ trợ những cộng đồng dễ bị tổn thương?

Có hiểu mới có thương 

Trong khuôn khổ của khóa học, người tham gia cũng được trải nghiệm vòng tròn thấu cảm, nơi mọi người có một không gian an toàn để mở lòng, chia sẻ những tâm tư chân thật từ trái tim, nhìn nhận lại những trải nghiệm đã qua và học hỏi từ người bạn trong vòng tròn.

Với mong muốn những người tham gia được trực tiếp trải nghiệm không gian vòng tròn thấu cảm trước khi tự mình điều phối những không gian tương tự tại địa phương, Sống thiền đã khuyến khích học viên chia sẻ và thực hành lắng nghe sâu. Những từ khoá thường xuyên được nhắc đến khi được hỏi về vòng tròn thấu cảm mang lại điều gì: “cảm thấy được kết nối”, “cảm thấy được lắng nghe”, được “mở lòng nói những điều khó khăn”, được “mở lời mà không ai phán xét”. 

“Em cảm thấy được kết nối với nỗi đau của mọi người, vì trong vòng tròn em tham gia thì cả ba người đều có nỗi đau về việc chưa thể có con/cháu cho gia đình. Em là người chuyển giới, anh A thì đã 45 tuổi và chưa có vợ, anh B thì vợ mất, cha mẹ đã già. Dù là em biết việc của mình chỉ có mình giải quyết, nhưng dẫu sao khi nghe vậy em không thấy mình cô đơn trong nỗi đau này.” 

Không gian chia sẻ này không chỉ là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho công việc của các tiếp cận viên cộng đồng mà cũng giúp cho họ cảm thấy được truyền động lực, và nhắc nhớ về ý nghĩa trong công việc của mình.

“Hôm vừa rồi rà soát lao phát hiện ra bạn này dương tính, mình tìm cách làm sao để bạn hiểu quy trình dự án, hiểu mọi người không bỏ rơi bạn... Giai đoạn này bạn đang tan nát, chơi vơi, chưa hợp tác điều trị. Mình đang cố gắng để bạn hiểu về mình, về tình thương và tâm huyết dành cho những người như bạn ấy. Bạn cứ đi lang thang... mình thì sợ bạn ấy tuột mất cơ hội điều trị. Lúc đầu mình rất là cáu. Qua lớp học này thấy mình cần kiềm chế, gần gũi chia sẻ hơn, nói những điều từ đáy lòng mình để người ta cảm nhận...” 

Diễn ra trong bối cảnh của đại dịch COVID-19, các khoá học được triển khai trực tuyến khiến việc kết nối cũng gặp những khó khăn nhất định. Dẫu vậy, vẫn có rất nhiều cảm xúc được chạm đến bởi nhóm điều phối đã tạo ra một không gian an toàn, cũng như nhắc người tham gia về việc chia sẻ trong mức độ mình cảm thấy sẵn sàng. 

Hành trình tiếp nối

Chia sẻ về sự khả thi của việc nhân rộng các can thiệp dựa trên chánh niệm cho nhóm thanh thiếu niên sử dụng ma tuý, Sống thiền cho biết các phản hồi nhận được tính đến hiện tại rất lạc quan và tiếp nối kết quả của nhiều nghiên cứu trên thế giới. Để các can thiệp này có thể phát huy hiệu quả, cần tiếp tục phối hợp với các CBOs cũng như đội ngũ tiếp cận viên, những người thấu hiểu cộng đồng, tin tưởng và thực hành chánh niệm trong đời sống của họ. Bên cạnh đó, người điều phối cũng cần thấu hiểu tâm sinh lý của lứa tuổi, các trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu và nhu cầu của các bạn thanh thiếu niên tham gia. Từ đó, khơi gợi hy vọng, tăng cường khả năng tự phục hồi của các bạn và chia sẻ thêm về các hình mẫu (role model) có những chiến lược ứng phó tích cực và truyền cảm hứng. 

Trên hết, Sống thiền tin tưởng rằng ai cũng có nhu cầu “được thương yêu”. Chúng ta cần tiếp tục tạo ra thêm các không gian chia sẻ an toàn, cởi mở, không phán xét, để các bạn thanh thiếu niên lớn lên với những tổn thương thời thơ ấu cảm thấy được đón nhận và yêu thương.

“Khóa học này cho các bạn biết đến một không gian mà ở đó các bạn được chấp nhận hoàn toàn. Dù bạn có nói gì, làm gì, thì ở đây bạn được lắng nghe, được tôn trọng…Các bạn biết rằng ở đấy có hy vọng. Những câu chuyện tôi được nghe, những người tôi được gặp, cho tôi biết về một thế giới rộng lớn hơn. Một thế giới mà tôi có thể có những cách chăm sóc cảm xúc của mình và có những mối quan hệ lành mạnh.”

Mai Phương, Đồng sáng lập – Sống thiền

Trong năm 2022, SCDI và Sống thiền đang tiếp tục triển khai một loạt các khoá học cho các bạn thanh thiếu niên sử dụng chất và tập huấn chuyên sâu cho CBOs. Trong tương lai, nhóm dự án dự kiến sẽ bàn giao toàn bộ tài liệu hướng dẫn liên quan can thiệp này để các CBOs có thể hỗ trợ nhau, bạn cũ đón bạn mới, duy trì không gian thực tập chánh niệm và vòng tròn thấu cảm trong chính cộng đồng của mình.

  • Bài viết liên quan