Cyberbullying - Những con dao vô hình

10:41 06/10/2020

  1. Sự thật về Cyberbullying

Theo Nghiên cứu thường niên về Chỉ số văn minh trực tuyến của Microsoft (DCI), năm nay chỉ số văn hóa mạng toàn cầu xuống thấp đến mức chạm đáy trong vòng 4 năm, và Việt Nam nằm trong số 5 nước có trình độ văn minh trên mạng thấp nhất thế giới. Những đề tài người dùng hành xử kém văn minh là quan hệ tình cảm (48%), giới tính (48%), ngoại hình (35%), chủng tộc (23%) và quan điểm chính trị (23%)

 

                                            

  1. Ngôn từ - con dao 2 lưỡi

Ở thời đại công nghệ số, không quá khó để chúng ta nghe thấy cụm từ "bắt nạt trên mạng xã hội". Việc mượn công nghệ như một thứ “vũ khí” để công kích, lấn át tinh thần một ai đó hẳn là không còn xa lạ. Nếu bạn sử dụng các trang mạng xã hội và thường xuyên “nằm vùng” thì chắc hẳn đã không ít lần bắt gặp những cá nhân “sân si” hoặc hội nhóm lập ra để “tẩy chay - anti”,”dìm hàng” ai đó một cách cay nghiệt. Những cú like, nút share, comment cười cợt cho đến ngôn từ thô tục, công kích là hình thức thể hiện của những vấn nạn nghiêm trọng hơn: phân biệt đối xử, hạ thấp uy tín, kỳ thị phụ nữ, tấn công cá nhân…Chỉ 1 cái enter tưởng chừng vô hại, có thể đẩy một người đến bước đường cùng, thậm chí đến quyết định từ bỏ cuộc sống.

 

  1. Những vết sẹo có thật

Cứ 3 người thì có nhiều hơn 1 người trẻ đã từng bị đe dọa qua mạng. Quá nửa thanh thiếu niên đã từng trải qua cyberbullying, trên 25% đã bị bắt nạt lặp đi lặp lại qua di động hoặc mạng Internet. Hầu hết đều không nói cho cha mẹ hoặc người lớn biết. Bắt nạt qua mạng thường để lại nhiều hậu quả nặng nề đặc biệt là đối với tuổi mới lớn: hình thành vỏ bọc, xa lánh xã hội, rối loạn lo âu, tự làm đau bản thân (self-harm) tổn hại tới chính họ như rạch tay, rạch chân, nhịn ăn, rối loạn lo âu, trầm cảm,... và thậm chí tự tử. Nạn nhân thường thiếu tự tin và tổn thương tự trọng nặng nề, có cảm giác sợ hãi, buồn bã, và đổ lỗi cho bản thân nhiều hơn sau khi bị bắt nạt.

 

  1. Bạo hành qua mạng và Bạo hành thông thường

Mặc dù về cơ bản, bắt nạt qua mạng giống với bắt nạt thông thường, nhưng dư âm của nó còn dai dẳng hơn nhiều. Nạn nhân của bắt nạt qua mạng thường không biết danh tính của những kẻ bạo hành, hoặc vì sao người khác nhắm vào họ. Sự quấy rối này có thể có những tổn hại lớn hơn so với bắt nạt thông thường bởi phạm vi lan truyền rộng rãi. Nạn nhân tiếp xúc với những quấy rối bất cứ khi nào họ lên mạng hoặc mở điện thoại. Dăm ba người bạn còn có thể chặn, nhưng nếu đó là 100, 1000 cá nhân công kích bạn, liệu bạn còn có thể online 1 cách bình thường nữa được không?

 

  1. Ai mới là nạn nhân? 

Có thể bạn nghĩ rằng: “Mình là người tử tế, mình chưa bao giờ nhục mạ ai đó trên mạng xã hội…”, nhưng sự thật có như góc nhìn của bạn? Liệu trong một phút nào đó, bạn đã từng vô ý/cố tình núp bóng bàn phím mà buông lời phán xét? Trong thời đại công nghệ, quá dễ để bình phẩm, dè bỉu hoặc cười đùa về ai đó chỉ qua vài lần gõ chữ. Những bình luận xấu kia có thể được xóa, nhưng nỗi đau trong người bị hại sẽ luôn còn đó, để lại vết hằn thật từ những con dao ảo vô hình.