DƯỚI MÁI NHÀ - PHẦN 1: CHUYỆN CỦA ĐÀO

12:23 26/09/2023

Nhà Đào nằm ở cuối ngõ. Ngôi nhà chỉ vừa đủ chỗ cho ba “cái giường”, kỳ thực là ba chỗ ngủ cạnh nhau. Một cái giường nhỏ mới đóng cho đứa bé gái, kế tiếp cái đệm cho ông và cháu trai, bên cạnh là cái chiếu với mấy hình thù trẻ con. Một gia đình, ba thế hệ, như ba tầng “giường” kia. Chỉ lên mái nhà, Đào kể về thời điểm mấy năm trước, lúc cô sắp đi tù về thì nghe tin hai đứa trẻ ở nhà nghịch lửa, cháy hết gác xép và mấy tấm lợp xi măng.

Lạ thay, dưới mái nhà từng cháy rụi, nơi chứng kiến những biến cố chất chồng mà gia đình này từng trải qua, như thể vẫn có một nội lực nào đó, âm ỉ và bền bỉ, tiếp cho họ sức bật để đi qua những tháng ngày tưởng chừng cùng cực nhất. Câu chuyện xoay quanh các thành viên trong gia đình này mang đến một góc nhìn chân thực về tác động của những trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu và khả năng phục hồi, được nuôi dưỡng từ chính những kết nối gia đình và các hỗ trợ xã hội phù hợp.

Phần 1: Chuyện của Đào

Đào sinh ra và lớn lên ở khu Phúc Tân, một xóm bãi ngoài đê sông Hồng, từ chân cầu Long Biên đến phố Hàm Tử Quan. Nơi đây thường được biết đến là nơi tập kết phế liệu hay được gọi là khu bãi rác, sân sau của thành phố. Đây cũng là khu vực sinh sống của nhiều người nhập cư, lao động nghèo.

Tuổi thơ biến động

“Em tên là Đào, năm nay 28 tuổi. Em ở nhà chăm con, nội trợ hàng ngày. Em có hai con, một cháu 8 tuổi, một cháu 7 tuổi. Nhà em có hai chị em gái. Bố em mất từ khi em học lớp 6. Mẹ em đi bước nữa hơn chục năm nay. Mẹ hiện đang ở với chú dượng.

Hồi bé em không gần mẹ lắm. Cũng không có kỷ niệm gì về mẹ cả. Bố là người em gần gũi nhất. Bố lo toan, để ý con cái. Bố chiều em lắm! Lúc nào bố cũng thủ thỉ.

Bố em bán vé xe buýt. Tối hôm đó, bố đi lấy vé xe buýt để sáng hôm sau đi làm. Em cũng đòi đi theo nhưng bố bảo ở nhà. Không hiểu sao cả đêm, em không tài nào ngủ được, nằm quay ra quay vào. Tự nhiên, thấy báo về là bố bị tai nạn mất.” (Đào, 28 tuổi)

Qua lời kể của Đào, có thể thấy phần lớn những ký ức tuổi thơ của cô đều gắn liền với bố, người hiện lên với sự chăm sóc và cảm giác an toàn. Với Đào, bố là người duy nhất yêu thương và quan tâm cô. Sự ra đi đột ngột của bố hẳn đã để lại cho Đào, cô con gái vừa bước sang tuổi vị thành niên vào thời điểm đó, một nỗi mất mát sâu sắc.

 

Theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ, trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu (ACE) là những sự kiện có khả năng gây tổn thương xảy ra với trẻ trong thời thơ ấu (từ khi sinh ra đến năm 18 tuổi). Nếu không được chữa lành, những tổn thương này có thể gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của trẻ khi trưởng thành. Khái niệm về những trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu bao gồm trải nghiệm bị lạm dụng, bị bỏ mặc, rối loạn chức năng trong gia đình bao gồm sống chung với người thân mắc bệnh tâm thần, lạm dụng chất kích thích, bạo lực gia đình, đi tù, cha mẹ ly thân hoặc ly hôn (Felitti và cộng sự, 1998). Ban đầu, khái niệm này không bao gồm trải nghiệm về cái chết của cha mẹ trong thời thơ ấu hoặc thời niên thiếu, những sự kiện có khả năng gây tổn thương này đã được đưa vào nhiều nghiên cứu về nghịch cảnh thời thơ ấu (childhood adversity) (Malvaso và cộng sự, 2018 và Björkenstam và cộng sự, 2017).

“Thực sự lúc bố mất, em chán lắm. Chán đến nỗi không buồn thiết cái gì. Chỉ nghĩ sao lúc đấy bố không cho mình đi theo, cùng chết với bố luôn. 

Hồi mẹ đi bước nữa, em không thích. Đầu óc chỉ nghĩ mẹ là của bố, không là của ai. Em chán lắm. Ai muốn làm gì thì làm, em chẳng quan tâm. Lúc nào cũng định tự tử. Mẹ, hay cô dì chú bác, chả ai nói được em. Lớp 7, em bỏ học. Chán không buồn học nữa. Kể ra hồi cấp 1, em học giỏi lắm, toàn được học sinh giỏi, đi thi viết chữ đẹp. Bỏ học rồi, hồi đấy bất cứ ai rủ rê làm gì, em đều thử…” (Đào, 28 tuổi)

Đào kể lại khoảng thời gian sau khi bố mất với sự xúc động mạnh. Cô liên tục nhắc tới cảm giác “chán”, “không thiết gì cả” và ý định tự tử. Như thể giờ đây, người duy nhất mang lại cho cô cảm giác được quan tâm và yêu thương không còn nữa. Cô cảm thấy chơi vơi và mất đi điểm tựa. Sau khi bố mất, Đào từng nhiều lần định tự tử nhưng được họ hàng ngăn lại. Từ một học sinh giỏi, Đào nghỉ học giữa chừng, cô nghe theo lời rủ rê của các bạn và bắt đầu sử dụng ma túy.

Các vấn đề về sức khỏe tinh thần và hành vi nguy cơ nêu trên của Đào có liên quan tới kết quả của nhiều nghiên cứu, cho rằng những đứa trẻ phải đối mặt với cái chết của cha mẹ dễ bị ảnh hưởng bởi các vấn đề cảm xúc kéo dài như trầm cảm, chúng lo lắng và thu mình hơn, gặp nhiều vấn đề ở trường hơn và nhìn chung kết quả học tập kém hơn so với những đứa trẻ không trải qua nỗi đau mất người thân (Hoeg et al., 2018). Những cái chết đột ngột và bất ngờ cũng có thể gây căng thẳng và có thể góp phần tạo nên một nỗi đau buồn phức tạp hơn, đồng thời làm tăng nguy cơ sử dụng ma túy (Giordano và cộng sự. al., 2014).

 “Em có một cái ảnh với bố. Em giữ từ lâu. Cái ảnh cũ bé bé, bằng lòng bàn tay nát lắm rồi, từ năm chín mấy. Đợt đấy, em bảo bố chồng dắt đi ra hàng làm lại cái ảnh này… Em là con gái rượu của bố đấy!” (Đào, 28 tuổi)

Sau những giọt nước mắt, Đào hồ hởi tìm cho tôi xem tấm ảnh hồi nhỏ của cô với bố. Cô chăm chú ngắm nhìn bức ảnh trong tay, ký ức tươi đẹp ngày nào như sống lại trong phút chốc, đôi mắt Đào ánh lên niềm vui. Tôi tự hỏi liệu rằng, với tuổi thơ đầy biến động và sự mất mát sâu sắc ngày đó, Đào đã bước vào cuộc sống trưởng thành như thế nào?

Dựa nhau mà sống

“Hồi đó anh lên nhà bạn chơi thì gặp Đào. Bố Đào mất sớm, mẹ thì lấy chồng hai, chẳng quan tâm nên Đào bỏ học sớm. Hai chị em cứ ở một mình ở trên bãi đấy. Từ bé Đào đã thiếu thốn tình cảm, hai vợ chồng ở với nhau cũng vất vả. Khó khăn thì hai vợ chồng dựa nhau mà sống.” (Đức, chồng của Đào, 38 tuổi)

Năm 15 tuổi, Đào quen Đức, chàng trai hơn cô 10 tuổi. Giống như Đào, Đức cũng lớn lên trong một gia đình có nhiều biến cố và chia cắt. Bố mẹ Đức ly thân khi anh 19-20 tuổi.

Hai người yêu nhau được 4 năm thì Đào mang thai. Từ đó, hai người về sống với nhau như vợ chồng và có hai người con.

Anh Đức là một người chồng lo cho vợ, cho con. Anh cũng để ý, chiều em, thế mới ở được với nhau đến tận bây giờ. Tính của em nếu không hợp thì không thể ở được. Em thì một mình một kiểu, một mình một tính.” (Đào, 28 tuổi)

Cuộc sống gia đình nhỏ của Đào cũng chẳng hề dễ dàng. Sinh hai người con gần tuổi nhau, Đào và Đức lại từng có khoảng thời gian vướng án tù vì buôn bán ma tuý, rồi chật vật tìm một công việc sau khi trở về từ trại giam, đúng giữa những ngày bùng dịch COVID. Chi tiết về khoảng thời gian này sẽ được chia sẻ nhiều hơn trong phần tiếp theo.

Trở về từ trại giam, Đào được chẩn đoán bị động kinh, nghi là hệ quả của việc sử dụng ma tuý trước đó. Những cơn động kinh diễn ra khá thường xuyên. Sức khoẻ không cho phép cô duy trì bất kỳ công việc ổn định nào. Đức trở thành trụ cột tài chính trong gia đình. Từng có tiền án, Đức cũng gặp khó khăn khi đi tìm việc. Quán trà đá đầu ngõ trở thành nguồn nuôi sống của gia đình. Không chỉ lo kinh tế, Đức cũng hỗ trợ vợ đáng kể trong việc chăm sóc con cái. Mặc dù vậy, qua lời chia sẻ của Đức, có thể cảm nhận được sự chấp nhận, cảm thông và tình thương mà anh dành cho Đào.

“Hai vợ chồng thỉnh thoảng cũng cãi nhau. Đào ngoan thôi, mà thần kinh như thế, thỉnh thoảng lại căng thẳng lên. Anh cũng cố gắng nhịn. Cãi nhau thì cãi nhau nhưng vẫn thương nhau.

Anh chỉ mong vợ cố gắng duy trì và sớm khỏi bệnh để kiếm công việc làm. Sau này vợ chồng dành dụm được đồng ra, đồng vào. Cái chính là khỏi được bệnh thì Đào đỡ khổ. Có lần lên cơn động kinh, ngã vào chảo dầu bỏng hết người, lần thì ngã từ trên gác xuống.” (Đức, chồng của Đào, 38 tuổi)

Xuyên suốt cuộc trò chuyện, một nhân vật khác cũng được nhắc đến thường xuyên trong chia sẻ của Đào là bố chồng.

“Bố chồng cũng chiều em như bố đẻ luôn. Bố chồng mà đi đâu người ta cũng tưởng bố đẻ. Cơm nước lúc nào ông cũng đỡ đần cho.” (Đào, 28 tuổi)

Chú Thắng, bố chồng của Đào, cũng từng có thời trẻ bôn ba và nhiều thăng trầm. Sống ly thân vợ, phần lớn thời gian chú một mình nuôi hai cậu con trai, rồi sau này là hai đứa cháu lúc vợ chồng Đào lần lượt vào trại giam. 

“Chú quý con dâu như con gái. Chú không có con gái, có mỗi hai cậu con trai. Từ khi yêu nhau, dẫn nhau về ở cùng nhau, nhiều khi vợ chồng cãi nhau, bao giờ chú cũng bảo ban chúng nó. Có lúc Đức bực đuổi vợ đi, chú vẫn bảo nó đi đón vợ về. Biết hoàn cảnh của Đào, chú thương nó như con đẻ.” (Chú Thắng, bố chồng của Đào, 61 tuổi)

Chốc chốc, Đào lại quay ra hỏi bố, hầu hết là những câu hỏi nhỏ nhặt, với cách nói xuề xoà, có phần trống không. Lạ thay, người đàn ông đã ngoài 60 tuổi cứ thế lắng nghe và hỗ trợ con dâu, cung cấp cho chúng tôi thông tin với sự điềm tĩnh và không mảy may cáu gắt.

Nội lực lớn lên từ tình thương

Khả năng phục hồi (resilience) hay sức bật tinh thần phản ánh khả năng một cá nhân chuyển hoá sự căng thẳng độc hại, từ đó giảm tác động tiêu cực của các tác nhân gây căng thẳng xảy ra trong thời thơ ấu. Nói cách khác, đó là khả năng thích ứng khi đối mặt với biến cố, khó khăn, chẳng hạn như vấn đề gia đình, các mối quan hệ, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng hay các mâu thuẫn, lo lắng trong công việc, căng thẳng tài chính. Nó có thể là sự kết hợp một số đặc điểm như sự quyết tâm, bền bỉ, lạc quan, niềm tin, sự tích cực và hy vọng.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nhân tố cơ bản tạo nên khả năng phục hồi đó là việc có những mối quan hệ hỗ trợ và yêu thương trong và ngoài gia đình. Các mối quan hệ này tạo nên tình yêu, sự tin tưởng, những hình mẫu tích cực và sự động viên, giúp thúc đẩy sức bật của một người. Nghiên cứu theo chiều dọc của Kauai, Werner và Smith (2001) đã chỉ ra ra một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên khả năng phục hồi đó là: có ít nhất một mối quan hệ thân thiết với một hình mẫu tích cực hoặc sự gắn bó lành mạnh với một người chăm sóc.

Đáng chú ý, mặc dù cơ chế hình thành nên khả năng phục hồi của một cá nhân vẫn cần được nghiên cứu, dường như nguồn lực này có thể được phát triển trước, trong và sau khi trải qua những trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu.

Trong câu chuyện của Đào, thời thơ ấu của cô có sự hiện diện của bố đẻ, người chăm sóc mang lại cho Đào gắn bó an toàn và những trải nghiệm tích cực. Tuy nhiên, sự ra đi đột ngột của bố lại để lại những tổn thương sâu sắc và những hệ lụy về sức khỏe tinh thần và hành vi nguy cơ khi Đào ở lứa tuổi vị thành niên. Quá trình chuyển giao sang tuổi trưởng thành của Đào lại có sự đồng hành của người yêu và sau này là chồng cô. Dù cũng từng mang nhiều tổn thương và trải qua nghịch cảnh, trong quan hệ với Đào, Đức lại cho cô cảm giác tin tưởng và tình yêu. Sau này, khi gia đình riêng của Đào và Đức đối diện với những thử thách, bố chồng lại là người đóng vai trò hỗ trợ và duy trì những gắn bó lành mạnh trong gia đình.

Dù chưa đủ dữ liệu để đưa ra bất kỳ kết luận nào về khả năng phục hồi của Đào, không thể phủ nhận rằng trên hành trình của cô, tại mỗi thời điểm trước, trong, và sau các trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu, vẫn luôn có ít nhất một người mang cho cô cảm giác được yêu thương và chấp nhận. Có chăng tình thương vô điều kiện đó đã nuôi dưỡng nội lực cho Đào, cho cả gia đình to trong căn phòng chật chội, nơi luôn có đủ sự inh ỏi, hỗn loạn và cả tiếng cười? Có chăng chính nhờ đó mà dưới mái nhà kia, họ vẫn thương nhau và cùng nhau bước tiếp?

*Tên các nhân vật đã được thay đổi

Tài liệu tham khảo:

1. Bellis MA, Hardcastle K, Ford K, Hughes K, Ashton K, Quigg Z, Butler N. Does continuous trusted adult support in childhood impart life-course resilience against adverse childhood experiences - a retrospective study on adult health-harming behaviours and mental well-being. BMC Psychiatry. 2017 Mar 23;17(1):110. doi: 10.1186/s12888-017-1260-z. Erratum in: BMC Psychiatry. 2017 Apr 13;17 (1):140. PMID: 28335746; PMCID: PMC5364707.

https://doi.org/10.1186/s12888-017-1260-z

2. Kerry Jamieson  (2018) Resilience: A Powerful Weapon in the Fight Against ACEs.

https://www.centerforchildcounseling.org/resilience-a-powerful-weapon-in-the-fight-against-aces/

3. Kristensen P, Weisaeth L, Heir T (2012) Bereavement and mental health after sudden and violent losses: a review. Psychiatry 75(1):76–97

https://doi.org/10.1521/psyc.2012.75.1.76

4. Giordano GN, Ohlsson H, Kendler KS, Sundquist K, Sundquist J (2014) Unexpected adverse childhood experiences and subsequent drug use disorder: a Swedish population study (1995–2011). Addiction 109(7):1119–1127

https://doi.org/10.1111/add.12537

5. Meghan Larson (2021) Understanding Resilience Among Individuals with Adverse Childhood Experiences (ACEs)

https://scholarworks.waldenu.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=11932&context=dissertations

6. National Scientific Council on the Developing Child (2015). Supportive Relationships and Active Skill-Building Strengthen the Foundations of Resilience: Working Paper No. 13.

Retrieved from www.developingchild.harvard.edu

Tác giả: Trang Tạ

Ảnh: Trang Tạ

  • Bài viết liên quan