DƯỚI MÁI NHÀ - PHẦN 2: HAI ĐỨA TRẺ
12:45 26/09/2023
Đào sinh hai con gần nhau. Lam sinh năm 2014, Cường sinh năm 2015.
“Con tên là Lam. Con năm nay 9 tuổi, con học lớp 2. Gia đình con có bố mẹ, có con, có em Cường, và có ông. Hết rồi ạ!” (Lam, 9 tuổi)
“Con tên là Cường (hét lớn). Con 8 tuổi. Con cũng học lớp 2 ạ.” (Cường, 8 tuổi)
Tuổi thơ thiếu vắng
Nếu tuổi thơ của Đào là những tháng ngày biến động thì những năm đầu đời của Lam và Cường lại khoảng thời gian thiếu vắng sự hiện diện của cả bố và mẹ. Hai vợ chồng Đào đều từng có thời gian sử dụng ma túy. Cuối năm 2018, Đào bị bắt vì tội mua bán trái phép chất ma túy và phải chấp hành án tù 3 năm.
“Vào trong đấy, thấy trên TV chiếu cảnh mẹ con là cả một lũ ngồi ôm nhau khóc. Nhất là những ngày Tết cứ nghe thấy bài Happy New Year lại thấy nhớ nhà, nhớ các con.” (Đào, 28 tuổi)
“Hai đứa nhà anh từ lúc bé, tắm rửa các thứ, một tay anh. Bột biếc cũng một tay anh cho ăn. Lúc mẹ nó đi vắng, anh cũng hay cho đi chơi. Nghĩ nhà mình hoàn cảnh, thì thôi bù đắp cho các con bằng tình cảm.” (Đức, 38 tuổi)
Cuối năm 2019, chồng Đào cũng bị bắt, phải chấp hành án tù 27 tháng.
“Thời điểm vợ đi tù, hai đứa trẻ nheo nhóc. Anh mới về, chả có công việc làm mấy. Những người đi tù về, xin việc khó lắm. Người ta cũng kỳ thị. Gia đình lại hoàn cảnh, bố anh tuổi già, ốm suốt. Thời điểm đấy, túng quẫn quá, anh lại mua bán ma tuý kiếm tiền nuôi hai đứa trẻ con. Về được hơn một năm, anh lại bị bắt tiếp.” (Đức, 38 tuổi)
Theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ, trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu (ACE) là những sự kiện có khả năng gây tổn thương xảy ra với trẻ trong thời thơ ấu (từ khi sinh ra đến năm 18 tuổi). Trong đó, việc có người thân đi tù/trại cai nghiện thuộc nhóm trải nghiệm rối loạn chức năng trong gia đình. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc cha mẹ bị giam giữ có liên quan đến việc gia tăng sự hung hăng, trầm cảm và lo lắng ở con cái họ. Cuộc sống của trẻ có thể bị ảnh hưởng bởi việc bị tách khỏi bố/mẹ, tình hình kinh tế của gia đình giảm sút hoặc bị kỳ thị. Điều này có thể tạo ra sự cô lập và mặc cảm, cản trở trẻ tiếp nhận các hỗ trợ xã hội, tác động tiêu cực tới tương tác với bạn bè và giáo viên, cũng như ảnh hưởng tới cơ hội và kết quả giáo dục của trẻ.
Có thể thấy, vì bố mẹ liên tiếp đi tù, có những lúc Lam và Cường phải xa mẹ, xa bố, rồi xa cả bố và mẹ. Không có đầy đủ người chăm sóc, tình hình kinh tế khó khăn, cả hai đứa trẻ đều không được học mầm non và phần lớn thời gian trước khi vào cấp 1 ở cùng ông nội.
“Hồi đó cũng vất vả. Ban ngày chú bán nước, đêm người ta thuê, chú cũng đi. Ai thuê gì làm đấy, đi đổ vật liệu, xây trát, móc cống chú cũng đi. Tắm rửa, cơm nước cho hai đứa, cũng một tay chú làm. Mỗi lần các cháu hỏi bố mẹ đâu, ông đều bảo đi làm xa…” (chú Thắng, 61 tuổi)
Chia sẻ về tính cách Lam và Cường sau, cán bộ của Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) cho biết “Ấn tượng của tôi về những lần vãng gia đầu tiên là hai đứa trẻ sống khá bản năng. Lam có xu hướng kết nối rất nhanh với người lạ, có khả năng bày tỏ cảm xúc bằng lời nói (con yêu người này, người kia không yêu con…), bày tỏ mong muốn sở hữu nhiều thứ với mọi người xung quanh (đồ chơi, đồ ăn, đồ dùng học tập…), khi không đạt được mong muốn có xu hướng giận, dỗi, khóc, rất nhớ những lời người lớn nói với mình. Cường tương đối xa cách với người lạ, ít thể hiện cảm xúc, có xu hướng chống đối và bạo lực với những sự việc không vừa ý (cau mặt, đánh trả, cãi lại), thích trò chơi bạo lực, thường đánh hoặc giành đồ của chị… Cả hai trẻ đều có xu hướng gây sự chú ý.”.
Xu hướng hành vi của Lam và Cường được phản ánh trong một số nghiên cứu về giai đoạn thơ ấu (từ sơ sinh đến 5 tuổi), chỉ ra rằng việc người cha bị giam giữ thường có mối liên hệ với các vấn đề hướng ngoại, hơn là các vấn đề nội hoá của trẻ. Chẳng hạn như việc giam giữ của cha khi trẻ từ 3 đến 5 tuổi liên quan đến các vấn đề về chú ý và hung hăng hơn khi chúng lên 5 tuổi (Geller, Cooper, Garfinkel, Schwartz-Soicher, & Mincy, 2012; Wakefield & Wildeman, 2013).
Một phân tích tổng hợp 40 nghiên cứu về trẻ em có cha mẹ bị giam giữ cho thấy các hành vi chống đối xã hội xuất hiện thường xuyên hơn bất kỳ yếu tố nào khác, bao gồm các vấn đề về sức khỏe tâm thần và sử dụng ma túy. Một nghiên cứu khác về cho thấy rằng việc tiếp xúc với nhiều trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu trong suốt quá trình phát triển, bao gồm cả việc có cha mẹ bị giam giữ, có thể khiến trẻ có nguy cơ bị trầm cảm nặng và các vấn đề khác kéo dài đến tuổi trưởng thành, bao gồm lạm dụng chất kích thích, bệnh lây truyền qua đường tình dục và ý định tự tử. Hành vi chống đối xã hội do cha mẹ bị giam giữ có thể hạn chế khả năng phục hồi của trẻ khi đối mặt với những trải nghiệm tiêu cực khác.
Liệu vòng xoáy tổn thương có thể cắt đứt?
“Hôm ấy người nhà gọi bảo bọn trẻ đốt cháy nhà rồi. Em chỉ sợ không biết con cái mình có bị làm sao không. Hai đứa trẻ con nghịch lửa, cháy hết tóc, cháy cả lông mày…” (Đào, 28 tuổi)
Đào kể lại thời điểm mấy năm trước, lúc cô sắp đi tù về thì nhận tin Lam và Cường ở nhà nghịch lửa, cháy hết cả gác xép và mấy tấm lợp xi măng. Lại đúng giữa năm 2020, lúc đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, cũng là lúc bố chồng Đào một mình xoay sở với cuộc sống mưu sinh để chăm lo cho hai đứa cháu. Thời điểm đó, trong quá trình quỹ Mỗi Ngày Một Quả Trứng (MNMQT) hỗ trợ các gia đình nghèo tại Hà Nội bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID, các nhân viên SCDI đã tiếp cận và biết tới hoàn cảnh éo le của gia đình.
“Ấn tượng đầu tiên của tôi là cuốn sổ hộ khẩu bị cháy xém một góc sau vụ cháy và người ông già hơn rất nhiều so với độ tuổi thật…” (Cán bộ SCDI)
Ban đầu quỹ MNMQT tiếp cận và hỗ trợ gia đình lương thực, thực phẩm như nhiều gia đình khác nhưng sau khi tìm hiểu kỹ hơn, các cán bộ được biết gia đình có hai trẻ chưa có giấy khai sinh. Một cán bộ của Chương trình Trẻ em và Thanh niên, SCDI đã được kết nối với gia đình để tiếp tục hỗ trợ vấn đề giấy tờ tùy thân và đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục của Lam và Cường.
“Thời điểm đó, Lam đã 6 tuổi, Cường 5 tuổi mà chưa có giấy khai sinh. Bố mẹ trẻ chưa đăng ký kết hôn và đều đang thi hành án. Trên thực tế, chưa có bất kỳ giấy tờ gì chứng minh huyết thống giữa Lam, Cường và ông nội dù ông nuôi hai em từ khi lọt lòng. Quá trình hơn một năm làm giấy tờ cho Lam và Cường gồm giấy khai sinh, đăng ký thường trú, tạm trú để có thể có đầy đủ giấy tờ nhập học tiểu học là một quá trình gian nan nhưng cũng là bước ngoặt quan trọng nhất để Lam và Cường có thể đi học.”, cán bộ Chương trình Trẻ em và Thanh niên, SCDI cho biết.
Thời gian đầu, Lam và Cường đi học cũng gặp một số khó khăn vì trước đó hai trẻ chưa từng đi học mầm non nên chưa quen với việc học tập hay tuân thủ các quy định của trường lớp. Lam cũng gặp một số khó khăn trong việc kết bạn. Lam phải học lại lớp 1 nên thời điểm Cường vào học lớp 1 thì hai chị em học cùng lớp. Nhiều tài liệu nghiên cứu cho thấy trẻ em có cha mẹ bị giam giữ gặp khó khăn trong việc học tập tại trường. Hậu quả tiêu cực có thể kéo dài, bao gồm nghỉ học nhiều, lưu ban, đình chỉ, đuổi học, kết quả học tập kém. Hậu quả cũng mở rộng đến các vấn đề về hành vi của trẻ em, bao gồm các vấn đề nội hoá (trải qua cảm giác vô giá trị hoặc thấp kém), các vấn đề hướng ngoại (tham gia đánh nhau và bắt nạt), và các vấn đề về chú ý (thu hút trong hành vi bốc đồng và không thể ngồi yên).
Lớn lên với những trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu, Lam và Cường đã và đang gặp những khó khăn nhất định trong việc hoà nhập và đảm bảo kết quả học tập. Tuy nhiên, không thể phủ nhận được rằng khi cánh cổng trường chào đón các em, là có thêm một cơ hội để vòng xoáy của tổn thương qua những thế hệ trong gia đình có thể được cắt đứt. Đây cũng là một một sự kiện ý nghĩa để các thành viên trong gia đình có thêm niềm tin và động lực để bước tiếp.
“Tôi rất nhớ hình ảnh một người đàn ông lớn tuổi, cặm cụi, bối rối tìm một bộ quần áo tươm tất cho đứa cháu gái trong buổi sáng đến trường xin nhập học. Ngày hôm ấy ông cũng cắt tóc, cạo râu, mặc một bộ quần áo khác ngày thường lắm!”, Cán bộ Chương trình Trẻ em và Thanh niên, SCDI nhớ lại hình ảnh chú Thắng vào ngày nhập học của Lam.
“Hai vợ chồng bảo nhau tu chí làm việc. Sau này cuộc sống khác mở ra dần dần. Anh đi tù về năm ngoái, hai vợ chồng mới đi đăng ký kết hôn. Anh xăm ở tay tên con. Tên cả gia đình ở đây. Còn đây là câu “Everything I do, I do it for you”. Nghĩa là: mọi thứ bố làm, bố làm vì các con.” (Đức, 38 tuổi)
“Cần cả một ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ”
Người châu Phi có câu ngạn ngữ “It takes a village to raise a child” , tạm dịch: cần cả ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ. Câu nói này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc huy động sự tham gia của cộng đồng để giáo dục thế hệ trẻ.
Quá trình hỗ trợ Lam và Cường đã nhận được sự phối hợp tích cực từ nhiều bên. Gia đình, mà đại diện thời điểm đó là ông nội, rất mong mỏi hai đứa trẻ có đầy đủ giấy tờ và được đi học đúng tuổi. Ông nỗ lực thực hiện những gì cán bộ hỗ trợ ca hướng dẫn, chuẩn bị kĩ càng cho những buổi đến trường gặp Ban giám hiệu và thường xuyên cập nhật khi có thông tin mới. Gia đình cũng nhận được sự hỗ trợ từ cán bộ tại địa phương khi cần xin các xác nhận hoặc hướng dẫn quy trình, thủ tục hoàn thiện giấy tờ cho Lam và Cường. Bên cạnh đó, cũng có sự hỗ trợ từ Ban giám hiệu nhà trường, sau khi biết hoàn cảnh của Lam và Cường đã nhận hai trẻ vào học ngay và cho phép bổ sung giấy tờ sau. Tất cả những sự đồng lòng, chung sức đó đã giúp hành trình đưa Lam và Cường đến trường bớt khó khăn hơn.
“Tôi nghĩ các hỗ trợ xã hội là vô cùng cần thiết với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, đặc biệt là trong tiếp cận giáo dục. Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt gặp rất nhiều rào cản trong tiếp cận giáo dục như giấy tờ tùy thân, khó khăn kinh tế, vấn đề trong gia đình… mà các gia đình này thường không có đủ khả năng để giải quyết những vấn đề đó. Trong khi giáo dục là con đường thoát nghèo hiệu quả của những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt thì nhiều gia đình vẫn không ưu tiên việc đi học của con em họ. Những hỗ trợ xã hội phù hợp giúp trẻ em duy trì việc học hiện tại, phát triển bản thân trong tương lai và giảm tác động của những đặc điểm, trải nghiệm bất lợi của trẻ. Quan trọng hơn là giúp cắt đứt vòng xoáy của đói nghèo và tổn thương từ thế hệ này qua thế hệ khác.”, cán bộ Chương trình Trẻ em và Thanh niên, SCDI, cho biết.
Lớn lên với các trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu, hành trình của Lam và Cường chính là một minh chứng cho vai trò song hành giữa kết nối gia đình và các hỗ trợ xã hội phù hợp. Đây chính là hai nhân tố quan trọng để tạo nên khả năng phục hồi (resilience) hay sức bật tinh thần của mỗi cá nhân, chìa khoá để xoa dịu tác động của các tổn thương thời thơ ấu.
*Tên các nhân vật đã được thay đổi
Tài liệu tham khảo:
- Eric Martin, "Hidden Consequences: The Impact of Incarceration on Dependent Children," March 1, 2017, nij.ojp.gov:
https://nij.ojp.gov/topics/articles/hidden-consequences-impact-incarceration-dependent-children - Julie Poehlmann-Tynan, Parental Incarceration and Young Children’s Development: Pathways to Resilience, Parent-Child Separation, 10.1007/978-3-030-87759-0_4, (87-107), (2021). https://doi.org/10.1111/cdep.12392
- Nichols EB, Loper AB. Incarceration in the household: academic outcomes of adolescents with an incarcerated household member. J Youth Adolesc. 2012 Nov;41(11):1455–71. http://dx.doi.org/10.1007/s10964-012-9780-9.
- Wildeman C, Western B. Incarceration in fragile families. Future Child. 2010 Fall;20(2):157–77. http://dx.doi.org/10.1353/foc.2010.0006
Tác giả: Trang Tạ
Ảnh: Trang Tạ
- Bài viết liên quan