Kỳ thị, định kiến và phân biệt đối xử với người có vấn đề sức khỏe tâm thần
05:38 25/12/2023
Hơn một nửa số người có vấn đề sức khỏe tâm thần (SKTT) không nhận được sự hỗ trợ. Thông thường, mọi người tránh hoặc trì hoãn điều trị vấn đề sức khỏe tâm thần vì lo ngại bị đối xử khác biệt, sợ mất việc làm và kế sinh nhai. Mọi người có sự quan ngại này bởi sự kỳ thị, định kiến và phân biệt đối xử với người có vấn đề sức khỏe tâm thần vẫn còn là một vấn đề nhức nhối trong xã hội.
Sự kỳ thị, định kiến và phân biệt đối xử đối với người có vấn đề SKTT có thể vô hình hoặc hữu hình, nhưng dù ở hình thái nào thì nó cũng có thể dẫn đến tổn hại cho người bị kỳ thị. Những người có vấn đề sức khỏe tâm thần bị gạt ra ngoài lề xã hội và bị phân biệt đối xử theo nhiều cách khác nhau. Để có thể từng bước hướng đến xóa bỏ kỳ thị, định kiến và phân biệt đối xử với người có vấn đề sức khỏe tâm thần, mỗi người cần hiểu về những kỳ thị đó cũng như cách giải quyết chúng.
1. Sự thật về kỳ thị, định kiến và phân biệt đối xử
Sự kỳ thị thường xuất phát từ sự thiếu hiểu biết hoặc sợ hãi. Việc các phương tiện truyền thông truyền tải không chính xác hoặc gây hiểu lầm về vấn đề SKTT góp phần tạo ra cả hai yếu tố đó. Một bản đánh giá các nghiên cứu về sự kỳ thị cho thấy rằng trong khi xã hội có thể chấp nhận bản chất y tế hoặc di truyền của một rối loạn sức khỏe tâm thần và nhu cầu điều trị thì nhiều người vẫn có cái nhìn tiêu cực về bản thân những người có vấn đề sức khỏe tâm thần.
Các nhà nghiên cứu xác định các loại kỳ thị khác nhau:
- Sự kỳ thị của xã hội liên quan đến thái độ tiêu cực hoặc phân biệt đối xử của người khác về vấn đề SKTT.
- Tự kỳ thị đề cập đến thái độ tiêu cực, bao gồm cả cảm giác từ xấu hổ về tình trạng SKTT của bản thân những người có vấn đề SKTT.
- Sự kỳ thị mang tính thể chế mang tính hệ thống hơn, liên quan đến các chính sách của chính phủ và các tổ chức tư nhân cố ý hoặc vô tình hạn chế cơ hội của những người có vấn đề SKTT. Ví dụ: cung cấp ít tài trợ hơn cho nghiên cứu về sức khỏe tâm thần hoặc ít dịch vụ chăm sóc SKTT hơn so với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác.
Sự kỳ thị không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến những người có vấn đề sức khỏe tâm thần mà còn ảnh hưởng đến những người thân, những người hỗ trợ họ.
Sự kỳ thị xung quanh SKTT có thể là rào cản lớn đối với những người thuộc các nền văn hóa đa dạng chủng tộc và sắc tộc trong tiếp cận các dịch vụ sức khỏe tâm thần. Ví dụ: ở một số nền văn hóa châu Á thì việc tìm kiếm sự trợ giúp chuyên môn cho vấn đề SKTT có thể đi ngược lại các giá trị văn hóa về gia đình bền chặt, kiềm chế cảm xúc hay tránh xấu hổ. Trong số một số cộng đồng, bao gồm cả cộng đồng người Mỹ gốc Phi, sự mất lòng tin vào hệ thống chăm sóc SKTT cũng có thể là rào cản trong việc tìm kiếm sự giúp đỡ. (Xem thêm tại đây.)
Trong khi những hình ảnh trên phương tiện truyền thông về người có vấn đề SKTT thường là những hình ảnh tiêu cực, không chính xác hoặc mang tính bạo lực thì chúng lại có thể ảnh hưởng đến nhận thức và sự kỳ thị của mọi người. Một nghiên cứu được công bố vào tháng 4/2020 đã xem xét một ví dụ gần đây là bộ phim nổi tiếng Joker (2019). Bộ phim miêu tả nhân vật chính là một người có vấn đề SKTT đã trở nên cực kỳ bạo lực. Nghiên cứu cho thấy việc xem phim “có liên quan đến mức độ thành kiến cao hơn đối với những người có vấn đề sức khỏe tâm thần.” Ngoài ra, các tác giả của nghiên cứu cũng gợi ý rằng “Joker có thể làm trầm trọng thêm sự tự kỳ thị của những người có vấn đề sức khỏe tâm thần, dẫn đến sự chậm trễ trong tìm kiếm sự trợ giúp.”
Sự kỳ thị đối với sức khỏe tâm thần khá phổ biến. Một nghiên cứu năm 2016 về sự kỳ thị đã kết luận “không có quốc gia, xã hội hay nền văn hóa nào mà người có vấn đề sức khỏe tâm thần có giá trị xã hội ngang bằng với những người không có vấn đề sức khỏe tâm thần".
2. Hậu quả của sự kỳ thị và phân biệt đối xử
Sự kỳ thị và phân biệt đối xử có thể góp phần làm các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn và giảm khả năng được điều trị của người có vấn đề SKTT. Một đánh giá sâu rộng gần đây cho thấy sự tự kỳ thị dẫn tới những tác động tiêu cực đến quá trình hồi phục ở những người được chẩn đoán có vấn đề SKTT nghiêm trọng. Các tác động có thể bao gồm:
- Giảm hy vọng
- Lòng tự trọng thấp hơn
- Tăng triệu chứng tâm thần
- Gặp khó khăn với các mối quan hệ xã hội
- Giảm khả năng duy trì điều trị
- Gặp khó khăn hơn trong công việc
Một nghiên cứu năm 2017 với hơn 200 người có vấn đề SKTT trong khoảng thời gian 2 năm cho thấy sự tự kỳ thị nhiều hơn có liên quan đến khả năng phục hồi kém hơn sau 1 và 2 năm mắc vấn đề SKTT.
Một bài xã luận trên tờ Lancet chỉ ra rằng tác động của sự kỳ thị là rất phổ biến. Sự kỳ thị ảnh hưởng đến sự quan tâm của hệ thống chính trị, hoạt động gây quỹ từ thiện và mức độ sẵn sàng hỗ trợ cho các dịch vụ địa phương và tài trợ cho nghiên cứu về SKTT so với các vấn đề sức khỏe khác.
Một số hậu quả khác của sự kỳ thị:
- Miễn cưỡng tìm kiếm sự giúp đỡ hoặc điều trị và khả năng duy trì điều trị thấp.
- Cô lập xã hội.
- Gia đình, bạn bè, đồng nghiệp hoặc những người khác không thấu hiểu.
- Ít cơ hội làm việc, học tập, tham gia hoạt động xã hội hoặc gặp khó khăn trong tìm nhà ở.
- Bắt nạt, bạo lực thể chất hoặc quấy rối.
- Bảo hiểm y tế không chi trả đầy đủ cho điều trị vấn đề SKTT.
- Niềm tin rằng người có vấn đề SKTT sẽ không bao giờ thành công trước những thử thách nhất định hoặc không thể cải thiện tình hình của bản thân.
3. Sự kỳ thị ở nơi làm việc
Một cuộc thăm dò quốc gia năm 2019 của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (APA) cho thấy sự kỳ thị về SKTT vẫn là một thách thức lớn ở nơi làm việc. Khoảng 1/2 số công nhân lo ngại khi thảo luận các vấn đề SKTT tại nơi làm việc. Hơn 1/3 lo ngại về việc bị trả thù hoặc bị sa thải nếu họ tìm cách chăm sóc SKTT của bản thân. Chỉ có khoảng 1/5 công nhân hoàn toàn thoải mái khi nói về các vấn đề SKTT. Cuộc thăm dò đã tìm thấy sự phân chia thế hệ: thế hệ Millennials (Thế hệ Y – những người sinh từ năm 1981 đến năm 1996) có khả năng cảm thấy thoải mái gần như gấp đôi so với những người thuộc thế hệ Bùng nổ trẻ sơ sinh (Thế hệ Baby Boomer – những người sinh từ năm 1946 đến năm 1964) với tỷ lệ 62% so với 32% khi thảo luận về SKTT của bản thân.
Một điểm tích cực hơn là khoảng 1/2 số công nhân cảm thấy thoải mái khi nói về SKTT và hầu hết công nhân cho biết họ sẽ hỗ trợ đồng nghiệp gặp khó khăn về các nguồn lực chăm sóc SKTT. Tuy nhiên, ngay cả trong số những người sẵn sàng giúp đỡ, khoảng 1/4 công nhân cho biết họ không biết tìm trợ giúp về SKTT ở đâu.
4. Giải quyết sự kỳ thị
Nghiên cứu cho thấy rằng quen biết hoặc tiếp xúc với người có vấn đề SKTT là một trong những cách tốt nhất để giảm bớt sự kỳ thị. Các cá nhân lên tiếng và chia sẻ câu chuyện của họ có thể có tác động tích cực. Khi chúng ta biết ai đó có vấn đề SKTT, chúng ta có thể thấy quen thuộc hơn, chân thực và dễ thấu hiểu hơn.
Một đánh giá năm 2016 về nghiên cứu giải quyết vấn đề kỳ thị đã kết luận rằng những nỗ lực giảm kỳ thị và phân biệt đối xử có thể có tác dụng ở cấp độ cá nhân và cộng đồng. Bằng chứng mạnh mẽ nhất là những nỗ lực chống lại sự kỳ thị liên quan đến việc tiếp xúc với những cá nhân có kinh nghiệm sống với vấn đề tâm thần và những nỗ lực cam kết điều trị lâu dài.
Nhiều người nổi tiếng, chẳng hạn như Demi Lovato (ca sĩ, diễn viên kiêm nhạc sĩ người Mỹ), Dwayne Johnson (nghệ danh “The Rock, đô vật chuyên nghiệp đã nghỉ hưu, diễn viên điện ảnh kiêm nhà sản xuất người Mỹ), Michael Phelps (cựu vận động viên bơi lội chuyên nghiệp người Mỹ), Taraji P. Henson (diễn viên người Mỹ) và Lady Gaga (ca sĩ, nhạc sĩ kiêm diễn viên người Mỹ) đã chia sẻ công khai câu chuyện của họ về những thách thức về SKTT và đưa ra nhiều cuộc thảo luận trên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng như trong các trò chuyện hàng ngày. Nhiều người trẻ tuổi đã tìm kiếm thông tin và những câu chuyện cá nhân này trên mạng.
Một cuộc khảo sát quốc gia năm 2020 đối với thanh niên từ 14 – 22 tuổi cho thấy 90% thanh thiếu niên có triệu chứng trầm cảm đang nghiên cứu các vấn đề SKTT trực tuyến và hầu hết đều xem các câu chuyện về sức khỏe của người khác thông qua blog, podcast và video. Khoảng 3/4 thanh thiếu niên tìm kiếm thông tin trực tuyến về trầm cảm cho biết họ đang tìm kiếm những câu chuyện cá nhân của những người đã từng trải qua trầm cảm.
Các chiến dịch truyền thông xã hội cũng có hiệu quả. Ví dụ: một nghiên cứu đã xem xét tính hiệu quả của chiến dịch truyền thông xã hội chống kỳ thị ở California và phát hiện ra rằng chiến dịch này đã tăng cường sử dụng dịch vụ bằng cách giúp mọi người hiểu rõ hơn về các triệu chứng phiền muộn và nâng cao nhận thức rằng luôn có sự trợ giúp. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng nếu tất cả những người trưởng thành có khả năng có vấn đề SKTT đều được tham gia chiến dịch SKTT của California thì 47% sẽ được điều trị. Nếu những người lớn đó không tiếp xúc với chiến dịch thì 36% sẽ được điều trị.
Liên minh Quốc gia về Bệnh Tâm thần (NAMI) đưa ra một số gợi ý về những điều chúng ta có thể làm với tư cách cá nhân để giúp giảm bớt sự kỳ thị đối với vấn đề SKTT:
- Nói chuyện cởi mở về SKTT, chẳng hạn như chia sẻ trên mạng xã hội.
- Giáo dục bản thân và người khác cách ứng phó với những nhận thức sai lầm hoặc nhận xét tiêu cực là chia sẻ sự thật và trải nghiệm.
- Ý thức về sử dụng ngôn từ bằng cách tự nhắc nhở bản thân và mọi người rằng lời nói rất quan trọng.
- Khuyến khích sự bình đẳng giữa sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần.
- Thể hiện lòng trắc ẩn đối với những người có vấn đề SKTT.
- Thành thật về việc điều trị bằng cách bình thường hóa việc điều trị SKTT và coi chúng giống như các phương pháp điều trị, chăm sóc sức khỏe khác.
- Hãy cho giới truyền thông biết khi nào họ đang sử dụng ngôn từ kỳ thị để chia sẻ những câu chuyện về SKTT một cách kỳ thị.
- Chọn trao quyền thay vì xấu hổ - “Tôi chống lại sự kỳ thị bằng cách chọn sống một cuộc sống được trao quyền. Đối với tôi, điều đó có nghĩa là làm chủ cuộc sống và câu chuyện của mình và từ chối cho phép người khác ảnh hưởng đến cách tôi nhìn nhận và cảm nhận về bản thân.” – Val Fletcher trả lời trên Facebook cho câu hỏi “Làm thế nào để bạn chống lại sự kỳ thị?”
Trong khi sự kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn còn phổ biến ở nơi làm việc thì các nhà tuyển dụng đang ngày càng nỗ lực giải quyết vấn đề kỳ thị đối với SKTT. Trung tâm Sức khỏe Tâm thần tại Nơi làm việc của Quỹ APA nhấn mạnh tầm quan trọng của cả các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiệu quả và những nỗ lực cụ thể nhằm phá vỡ sự im lặng xung quanh chủ đề SKTT.
Những người sử dụng lao động đang nỗ lực giải quyết vấn đề kỳ thị đưa ra một số gợi ý:
- Điều chỉnh các chương trình/phương pháp tiếp cận phù hợp với văn hóa và thế mạnh hiện có của công ty.
- Chia sẻ về cam kết của công ty trong việc xây dựng nơi làm việc lành mạnh mỗi khi có cơ hội nói về cam kết chung của công ty với văn hóa sức khỏe, chính sách thu hút và giữ nhân tài và cách thức đánh giá nhân viên…
- Tập huấn cho lãnh đạo cách nhận diện cảm xúc muộn phiền và đưa ra lời khuyên, phản hồi kịp thời và mang tính xây dựng đối với các vấn đề về hiệu suất.
- Hãy ghi nhận nhu cầu về chỗ ở. Tập huấn cho người quản lý để phản ứng phù hợp.
5. Làm thế nào để chúng ta chấm dứt sự kỳ thị?
Hãy bắt đầu từ những cuộc trò chuyện và thử dùng một số gợi ý dưới đây!
Tài liệu tham khảo:
1. Nguồn: Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ chuyển thể từ Mayo Clinic
2. Nguồn: Bộ công cụ Working Well
Bạn có thể xem toàn bộ bài viết gốc tại đây: Stigma, Prejudice and Discrimination Against People with Mental Illness
- Bài viết liên quan