LÀM THẾ NÀO ĐỂ NÓI CHUYỆN VỚI CON VỀ CHẤT GÂY NGHIỆN?
11:32 12/05/2023
Sử dụng ma túy và chất gây nghiện ở thanh thiếu niên đã và đang là mối quan tâm lớn trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng. Lạm dụng các chất gây nghiện có nguy cơ dẫn đến nhiều tác hại về sức khỏe thể chất và tinh thần với thanh thiếu niên. Tại Hoa Kỳ, theo một báo cáo năm 2019 của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC Hoa Kỳ), 15% học sinh trung học cho biết đã từng sử dụng ma túy bất hợp pháp hoặc tiêm chích ma túy. Ở Việt Nam, chưa có các báo cáo chính thức về tình hình sử dụng ma túy ở thanh thiếu niên, tuy nhiên, qua thông tin của các cơ quan nhà nước, cơ quan truyền thông, có thể thấy rằng tình trạng sử dụng chất gây nghiện ở thanh niên có xu hướng gia tăng.
Tuổi vị thành niên là một giai đoạn có nhiều biến đổi. Thanh thiếu niên bắt đầu khám phá các giới hạn của bản thân thông qua việc thử những trải nghiệm mới. Cùng với đó, thanh thiếu niên thường dành nhiều thời gian với bạn bè và có xu hướng ít chia sẻ đời sống cá nhân với cha mẹ. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng một trong những yếu tố có ảnh hưởng đến thời niên thiếu của trẻ là mối quan hệ với cha mẹ. Khi cha mẹ tạo ra một môi trường hỗ trợ và nuôi dưỡng, trẻ có có khả năng đưa ra các quyết định sáng suốt hơn. Do đó, vai trò của cha mẹ là vô cùng quan trọng trong việc ngăn ngừa và giảm thiểu các hành vi nguy cơ ở lứa tuổi vị thành niên, trong đó có sử dụng chất gây nghiện. Tuy nhiên, đối với nhiều cha mẹ, việc bắt đầu một cuộc trò chuyện về một vấn đề “nhạy cảm” như chất gây nghiện là tương đối khó khăn. Thực tế là không có một công thức chính xác nào cho mọi cuộc trò chuyện của cha mẹ với con cái về chất gây nghiện, nhưng một số gợi ý sau đây có thể giúp ích cho các cha mẹ.
Nguồn ảnh: Sanstone Care
Đầu tiên, cha mẹ cần biết rằng không bao giờ là quá sớm để nói chuyện với trẻ vị thành niên về các chất gây nghiện. Nếu cha mẹ không nói về những nguy cơ và tác động của việc sử dụng chất gây nghiện, trẻ có thể sẽ không thấy bất kỳ tác hại nào khi thử sử dụng chất. Cha mẹ càng nói chuyện sớm với con cái về chất gây nghiện thì càng có nhiều cơ hội tác động đến quyết định sử dụng chất của trẻ.
Kế tiếp, cha mẹ cần chuẩn bị một kế hoạch trước khi nói chuyện với con về chất gây nghiện. Kế hoạch có thể gồm các nội dung trả lời cho các câu hỏi sau:
Mục tiêu cuộc trò chuyện là gì? Mỗi cha mẹ có thể có một hoặc nhiều mục tiêu riêng trong mỗi cuộc trò chuyện và việc xác định mục tiêu trước khi trò chuyện với con là cần thiết để đảm bảo cách thức tiếp cận phù hợp và nội dung câu chuyện không đi quá xa dự định của cha mẹ. Cuộc trò chuyện có thể là dịp để cha mẹ thể hiện rằng mình quan tâm đến sức khỏe toàn diện và sự phát triển lành mạnh của con. Cũng có thể là không gian thể hiện quan điểm của cha mẹ rằng mình không khuyến khích con sử dụng chất gây nghiện. Hoặc thể hiện cha mẹ là một người cởi mở và an toàn để con có thể tìm đến và chia sẻ những vấn đề về chất gây nghiện. Cha mẹ cũng có thể thể hiện rằng mình có những thông tin tin cậy về các chất gây nghiện, việc sử dụng chất và những cách ứng phó với rủi ro sử dụng chất. Cha mẹ có thể xác lập một hoặc một số mục tiêu cho mỗi cuộc trò chuyện mà không nhất thiết phải bao gồm toàn bộ nội dung trong một cuộc nói chuyện. Nhiều cuộc nói chuyện nhỏ sẽ giảm áp lực lên cha mẹ và con cái cũng sẽ dễ tập trung và tham gia vào cuộc thảo luận hơn.
Cha mẹ nên nói gì với con? Tùy thuộc vào mục tiêu của từng cuộc nói chuyện mà nội dung trò chuyện sẽ khác nhau. Cha mẹ có thể chia sẻ về quan điểm của bản thân về chất gây nghiện và sử dụng chất, những kỳ vọng của cha mẹ với con và một số nguyên tắc của gia đình để giảm thiểu rủi ro sử dụng chất. Cha mẹ cũng có thể cung cấp các thông tin khoa học và khách quan về chất gây nghiện và tác động của các chất này với thanh thiếu niên. Thảo luận với con cái về những tình huống rủi ro có thể dẫn đến việc sử dụng chất cũng là một nội dung quan trọng, trong đó cha mẹ có thể chia sẻ với con những áp lực đồng trang lứa, áp lực trong cuộc sống và học tập. Thanh thiếu niên sẽ lắng nghe cha mẹ hơn nếu họ hiểu rằng cha mẹ đang lắng nghe và đứng về phía họ. Cha mẹ cũng nên lưu ý về độ tuổi và khả năng nhận thức của con. Cuộc trò chuyện về chất gây nghiện với một thiếu niên 13 tuổi sẽ khác cuộc trò chuyện với một thiếu niên 17 tuổi. Khi con lớn hơn, cha mẹ có thể cung cấp nhiều thông tin hơn cho con và củng cố những quan điểm, nguyên tắc của cha mẹ về việc sử dụng chất gây nghiện.
Ai nên là người nói chuyện với con? Bất kỳ ai trong gia đình có khả năng giao tiếp với trẻ đều có thể nói chuyện với con về chất gây nghiện, miễn là người đó chuẩn bị cho cuộc trò chuyện này. Có thể bắt đầu với những người thân thiết và thường xuyên nói chuyện với trẻ trong cuộc sống hàng ngày.
Thời điểm nào là phù hợp? Thời điểm tốt nhất để nói với con về chất gây nghiện là trước khi thanh thiếu niên tiếp xúc với những chất này. Bắt đầu nói với con về chất gây nghiện từ khi con bước vào độ tuổi vị thành niên là bước đầu tiên giữ cho con an toàn với chất gây nghiện. Và thay vì chỉ nói chuyện với con khi có vấn đề nghiêm trọng thì cha mẹ nên duy trì thói quen trò chuyện với con hàng ngày. Việc này sẽ giúp cha mẹ dễ dàng có những cuộc trò chuyện nghiêm túc về chất gây nghiện và giúp thanh thiếu niên thấy thoải mái hơn khi trò chuyện với cha mẹ. Một điều quan trọng nữa là thường xuyên duy trì trao đổi với con về chất gây nghiện. Cha mẹ cần hiểu rằng nói chuyện với con về chất gây nghiện không chỉ diễn ra một lần duy nhất. Cha mẹ nên tiếp tục trò chuyện với con trong suốt thời niên thiếu.
Không gian nào là phù hợp? Bất kỳ không gian nào mà cha mẹ và con thấy thoải mái và an toàn để chia sẻ, thảo luận đều là không gian phù hợp để trò chuyện về chất gây nghiện. Việc “tổ chức” một cuộc trò chuyện nghiêm trọng một cách cứng nhắc sẽ gây khó xử cho cả cha mẹ và con. Thay vì vậy, cha mẹ có thể dùng chính những không gian trò chuyện hàng ngày như trên ô tô, trong bữa tối, khi đang xem tin tức hoặc khi gia đình trò chuyện với nhau.
Cuộc trò chuyện diễn ra như thế nào? Cha mẹ có thể bắt đầu một cách chung chung như nói về tình hình học sinh sử dụng chất gây nghiện hoặc một vụ việc cụ thể gần đây. Cha mẹ nên đặt câu hỏi về hiểu biết và trải nghiệm của trẻ liên quan đến những thông tin và tình huống này. Một điều quan trọng là cha mẹ cần lắng nghe chia sẻ của trẻ, kể cả khi quan điểm hoặc trải nghiệm của trẻ trái ngược hoặc nằm ngoài kỳ vọng của cha mẹ. Điều đáng mừng là trẻ đã sẵn sàng bày tỏ quan điểm và thành thật chia sẻ trải nghiệm của mình với cha mẹ. Thảo luận về những trải nghiệm và quan điểm thực tế trên tinh thần tôn trọng sẽ giúp cả cha mẹ và con cái hiểu hơn về nhau. Cha mẹ cũng có thể đưa ra một số tình huống giả định, lắng nghe quan điểm của trẻ hoặc cùng trẻ tìm cách giải quyết nếu tình huống diễn ra trong thực tế. Một số tình huống gợi ý như: Nhiều người trong nhóm bạn của trẻ hút thuốc lá điện tử vì như vậy mới ngầu; Trẻ bị bạn cùng lớp chế giễu khi không hút cần sa cùng các bạn; Trẻ đi dự sinh nhật bạn và bạn rủ trẻ dùng bóng cười…
Cuối cùng, trước khi cha mẹ bắt đầu cuộc trò chuyện với con về chất gây nghiện thì dưới đây là một số lưu ý.
Nên | Không nên |
Mặc dù việc cha mẹ nói với con về suy nghĩ, quan điểm và các nguyên tắc về chất gây nghiện là cần thiết nhưng việc lắng nghe quan điểm của con cũng vô cùng quan trọng. Hãy tạo cơ hội cho con đặt câu hỏi cho cha mẹ và lắng nghe những gì con nói. Khi trẻ cảm thấy quan điểm của mình được coi trọng thì trẻ sẽ sẵn sàng tham gia vào cuộc trò chuyện hơn. Cha mẹ không cần đồng ý với mọi suy nghĩ của trẻ mà chỉ cần thể hiện rằng mình đang lắng nghe trẻ.
Đây là một lưu ý hết sức quan trọng, bởi cha mẹ là người khởi xướng cuộc trò chuyện nên cha mẹ cần nắm rõ nội dung cuộc trò chuyện mà trọng tâm ở đây là chất gây nghiện. Kiến thức về các loại chất gây nghiện, tác động của các loại chất này, tình hình sử dụng các chất này trong thanh thiếu niên, các cách để ngăn ngừa rủi ro và giảm tác hại của các chất này… là những thông tin cơ bản mà cha mẹ cần trau dồi trước khi bắt đầu trò chuyện với con. Cha mẹ không cần trở thành chuyên gia trong lĩnh vực chất gây nghiện nhưng cần đảm bảo những thông tin cha mẹ có là chính xác.
Cha mẹ có thể không biết toàn bộ về chất gây nghiện, đặc biệt là các thông tin cập nhật trong giới trẻ. Khi đó cha mẹ nên thành thật về kiến thức của mình, lắng nghe và thu lượm thông tin từ chính con mình. Ngoài ra, nếu được hỏi về trải nghiệm với chất gây nghiện, cha mẹ có thể chia sẻ về những trải nghiệm thực của mình, những suy nghĩ và bài học sau những trải nghiệm đó. Nếu cha mẹ từng sử dụng ma túy, có thể tham khảo bài viết Làm thế nào để nói chuyện với con về ma túy nếu bạn đã từng là người sử dụng? Khi thanh thiếu niên cảm thấy cha mẹ thành thật và trung thực với họ, họ sẽ có khả năng tôn trọng các quan điểm và quy tắc mà cha mẹ đưa ra hơn.
Bên cạnh việc đưa ra những nguyên tắc, cảnh báo con về những rủi ro và tác động của chất gây nghiện, cha mẹ cũng cần khẳng định rằng mục tiêu sau cùng là để đảm bảo thanh thiếu niên được an toàn và phát triển lành mạnh. Cha mẹ cũng có thể đưa ra những gợi ý về những hoạt động giải trí, thư giãn tích cực mà con có thể thực hiện cùng bạn bè, gia đình và lập kế hoạch để tham gia một số hoạt động cùng con.
|
Cha mẹ không nên mặc định rằng thử chất gây nghiện một lần không sao. Mặc dù việc dùng thử chất gây nghiện là chuyện thường xuyên xảy ra ở thanh thiếu niên nhưng không có nghĩa rằng điều này hoàn toàn ổn. Việc thử sử dụng chất gây nghiện một lần cũng có nguy cơ dẫn tới những lần sử dụng sau và việc lạm dụng chất sau này. Vì vậy, cha mẹ không nên bỏ qua hay phớt lờ việc sử dụng chất gây nghiện của con mình. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng không nên mặc định rằng con mình đã sử dụng chất gây nghiện là “vô phương cứu chữa. Việc sử dụng, lạm dụng và nghiện là khác nhau. Và kể cả khi nghiện cũng có thể điều trị và hỗ trợ cai nghiện được. Do đó, không bao giờ là quá muộn để hỗ trợ con.
Cha mẹ rất dễ nổi giận và thất vọng khi thấy con mình có những suy nghĩ, quan điểm trái ngược mình về việc sử dụng chất gây nghiện, thậm chí có thể con đã từng sử dụng chất gây nghiện. Việc này có thể khiến thanh thiếu niên “đóng cửa”, không muốn tiếp tục chia sẻ với cha mẹ về vấn đề này hoặc thực hiện yêu cầu của cha mẹ một cách chống đối với thái độ oán giận. Vì vậy, cha mẹ cần chuẩn bị sẵn sàng tâm lý trước mỗi cuộc trò chuyện. Cha mẹ không thể yêu cầu con tuân thủ toàn bộ quan điểm, ý kiến của mình. Thay vào đó, cha mẹ nên trò chuyện với con bằng sự bình tĩnh, quan tâm và tôn trọng con. Hãy cho con biết rằng cha mẹ ở đó để lắng nghe, không phán xét và con có thể trò chuyện với cha mẹ bất cứ lúc nào. Điều quan trọng nhất là thiết lập một mối quan hệ cởi mở, tôn trọng với con.
Một số cha mẹ có thể muốn trở thành những cha mẹ tuyệt vời, cha mẹ “ngầu” bằng cách không đưa ra bất cứ quy tắc nào với con. Trên thực tế, những quy tắc này rất quan trọng trong việc giữ an toàn cho thanh thiếu niên. Cha mẹ nên nói với con về suy nghĩ của mình về chất gây nghiện, chia sẻ những nguyên tắc và cả những hậu quả khi vi phạm nguyên tắc. Đồng thời, cha mẹ cũng nên đảm bảo rằng mình sẽ tuân thủ những nguyên tắc này.
Các rối loạn sức khỏe tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu và rối loạn ăn uống có nhiều khả năng xuất hiện trong tuổi vị thành niên. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ không nhận ra những nguy cơ này. Nếu cha mẹ phát hiện con sử dụng chất gây nghiện, hãy tự hỏi điều gì có thể góp phần vào việc đó. Con có cảm thấy quá buồn hay căng thẳng không? Con có cảm thấy hạnh phúc không? Con có sinh hoạt bình thường không? Nếu cha mẹ không thể trả lời những câu hỏi này thì có thể nói chuyện với con về những gì đang xảy ra. Điều quan trọng là cha mẹ không được bỏ qua những dấu hiệu của vấn đề sức khỏe tâm thần ở trẻ.
Một số cha mẹ không biết tìm kiếm sự hỗ trợ ở đâu, một số khác thì lo sợ khi người khác biết con mình sử dụng chất gây nghiện và một số khác thì xem nhẹ việc con mình sử dụng chất gây nghiện. Việc can thiệp sớm với thanh thiếu niên sử dụng, lạm dụng hoặc nghiện chất gây nghiện là vô cùng quan trọng. Vì vậy, không bao giờ là quá sớm để tìm kiếm sự hỗ trợ. Cha mẹ đừng ngần ngại tìm kiếm sự trợ giúp phù hợp với tình trạng của con mình, đừng để mọi chuyện quá muộn. Tổng đài hỗ trợ miễn phí các vấn đề về chất gây nghiện ở thanh thiếu niên: Bảo vệ tương lai - 0347 056 650 |
Nguồn tham khảo: ReachOut Australia, SAMHSHA, Harvard Medical School
- Bài viết liên quan