Mối liên hệ giữa bạo lực và nghiện chất

10:05 14/01/2022

Một câu hỏi đặt ra là ma túy và rượu có gây ra hành vi bạo lực không?

Việc sử dụng ma túy và rượu có thể làm giảm hoặc mất khả năng tự kiểm soát nên rất dễ hiểu khi những người bị ảnh hưởng bởi rượu và ma túy có những hành động không giống họ thường ngày.

Một nghiên cứu được công bố vào năm 1995 trên tạp chí Journal of Health Care for the Poor and Underserved cho thấy rằng các hành vi bạo lực và sử dụng chất thường đi đôi với nhau. Bài báo này cũng chỉ ra mối liên hệ giữa nghiện chất và bạo lực là mối quan hệ nguyên nhân và hậu quả.

Theo một bài báo đăng trên tạp chí Journal of Substance Use Treatment, hơn 75% số người tìm kiếm về điều trị nghiện ma túy cho biết họ đã thực hiện các hành vi bạo lực như hành hung hay tấn công người khác bằng vũ khí.

Một nghiên cứu khác được công bố vào năm 2010 cho rằng những người kìm nén cảm xúc tiêu cực như tức giận hoặc thất vọng có nhiều khả năng uống rượu say và có hành vi bạo lực hơn. Các nhà nghiên cứu cho rằng những người bị dồn nén sự tức giận có thể hành động bạo lực vì khi uống rượu họ dễ mất tự chủ và hành động theo cơn giận.

Một số nghiên cứu khác đã báo cáo một mối quan hệ qua lại đáng lo ngại giữa bạo lực và nghiện chất. Mặc dù sử dụng ma túy hoặc rượu không phải lúc nào cũng gây ra các hành vi bạo lực, nhưng nó có thể xảy ra trong một số trường hợp và đối tượng cụ thể.

Chất kích thích và sự kích động

Những người sử dụng các loại ma túy như đá hay cocaine có thể có các hành vi bạo lực và các biểu hiện như hung hăng, hiếu chiến. Một phần là do người sử dụng mất kiểm soát và hoang tưởng. Ảo giác có thể sống động đến mức khiến người sử dụng chất có hành động bạo lực đối với bản thân và người khác.

Rượu, ma túy và tội phạm tình dục

Sử dụng chất kích thích có thể làm tăng các hành vi hung hăng đặc biệt là tội phạm tình dục. Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Amsterdam, 50% tội phạm tình dục bị giam giữ có tiền sử sử dụng chất và 25-50% đã từng bị ảnh hưởng bởi việc sử dụng chất vào thời điểm phạm tội. Điều này cho thấy nghiện chất và tội phạm tình dục có mối liên quan đến nhau.

Các loại ma túy như đá và cocaine có thể làm gia tăng sự kích động, có nguy cơ cao hơn tham gia vào các hành vi tình dục không an toàn, bạo lực hoặc hung hãn, bao gồm cả cưỡng hiếp và tấn công tình dục.

Rượu và tấn công tình dục

Uống rượu cũng có thể dẫn đến những hành vi tình dục quá khích đối với người khác. Theo một bài báo của Viện Quốc gia về Lạm dụng Rượu và Nghiện rượu, 25% phụ nữ đã bị tấn công tình dục và một nửa trong số những vụ tấn công đó liên quan đến rượu.

Tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn đối với phụ nữ học đại học, nơi mà việc sử dụng rượu bia phổ biến hơn. Nghiên cứu chỉ ra 50% nữ sinh đại học đã từng trải qua một số hình thức tấn công tình dục và một nửa trong số những vụ hành hung đó thủ phạm hoặc nạn nhân hoặc cả hai cũng liên quan uống rượu.

Mặc dù rượu là một yếu tố nguy cơ dẫn đến tấn công tình dục nhưng không phải lúc nào sử dụng rượu cũng dẫn đến những hành vi này. Một người có mong muốn tấn công tình dục cũng có thể dẫn đến việc người đó uống rượu.

Kết quả của những nghiên cứu này cho thấy một điều rất rõ ràng: việc sử dụng chất kích thích làm tăng khả năng xảy ra các hành vi tình dục bạo lực.

Nghiện chất và bạo lực gia đình

Bạo lực gia đình là một trong những hành vi phổ biến nhất do nghiện ma túy và rượu. Bạo lực gia đình có thể bao gồm các hành động đánh, đấm, giật tóc, tát và lạm dụng tình dục. Bạo lực gia đình còn bao gồm cả bạo lực về tinh thần như đe dọa, lăng mạ, cô lập, xua đuổi, gây áp lực tâm lý,…

Mặc dù chưa có kết luận chính xác và thống nhất giữa các nhà nghiên cứu về mối quan hệ giữa việc sử dụng chất và bạo lực gia đình nhưng theo Hiệp hội Y học Nghiện Hoa Kỳ thì sử dụng chất là một yếu tố gây ra 40-60% các vụ bạo lực gia đình.

Bạo lực và sang chấn có thể dẫn đến nghiện không?

Nạn nhân của bạo lực có nguy cơ nghiện chất cao vì các sự kiện gây sang chấn có thể ảnh hưởng đến não bộ. Sang chấn khiến tâm trí hoạt động quá sức, gây ra sợ hãi, lo lắng và căng thẳng gần như liên tục. Một người có những trải nghiệm gây sang chấn có thể sống liên tục trong trạng thái chống trả hay bỏ chạy (fight – flight) hay được biết đến là trạng thái căng thẳng cấp tính. Bộ não thậm chí có thể liên tục tua lại ký ức về trải nghiệm đau thương và buộc người đó phải vô tình hồi tưởng lại sự kiện đó.

Luôn phải trải qua những cảm giác này có thể khiến một người đang cố gắng phục hồi sau bạo lực hoặc một mối quan hệ bị lạm dụng cảm thấy vô cùng khó chịu và đau khổ. Nhiều người trải qua sang chấn đã dùng ma túy hoặc rượu để giải tỏa. Cơ thể và não bộ của những người này sẽ trở nên lệ thuộc vào ma túy hoặc rượu, dần dần việc sử dụng ma túy và rượu vượt khỏi tầm kiểm soát của họ và họ rơi vào tình trạng nghiện chất.

Nguồn: Vertava Health

  • Bài viết liên quan