NHỮNG ĐỨA TRẺ MẮC KẸT
09:55 07/07/2022
“Tôi đã từng đóng sầm cửa lại mỗi khi mẹ tôi hét lên dưới căn bếp cũ
Tôi mở nhạc thật lớn, phiêu theo điệu nhạc và cố gắng lơ đi những âm thanh ấy
Lơ đi mỗi cuộc cãi vã mà chẳng ai là người đúng cả
Tôi đã thề rằng mình sẽ không như họ
Nhưng khi ấy tôi cũng chỉ là một đứa trẻ mà thôi…”
(Older, Sasha Sloan)
Cuối năm 2019, Sasha Sloan, ca sĩ kiêm nhạc sĩ người Mỹ với “thứ âm nhạc mang nỗi niềm của thế hệ trẻ”, đã cho ra mắt “Older” - ca khúc nói về ly hôn và sự mỏng manh trong tình yêu. Lấy cảm hứng từ tuổi thơ không mấy hạnh phúc với những trận cãi vã của bố mẹ, chính Sasha cũng không thể ngờ “Older” lại nhận được sự yêu mến và chia sẻ của nhiều khán giả đến vậy.
Phải chăng ca khúc này đã tình cờ tạo không gian để những ai từng lớn lên trong những gia đình đổ vỡ tìm thấy sự đồng cảm? Và liệu rằng, điều gì đã và đang diễn ra trong thế giới của những đứa trẻ với trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu này?
Chơi vơi
“Nếu em là một đứa trẻ ngoan thì có lẽ bố đã không chán ghét mẹ con em như thế.”
(Hưng*, 19 tuổi, bố mẹ ly hôn năm 12 tuổi)
“Toà hỏi em chọn đi với ai. Lúc đó, mọi thứ như tối sầm lại. Em chưa bao giờ nghĩ rằng mình phải đối diện với khoảnh khắc ấy trong đời.
Sau khi ly hôn, bố mẹ em phải bán nhà, chia tài sản. Ngày chuyển sang nhà ông bà ngoại sống, em hiểu rằng mọi thứ đang dần rời xa, không còn thuộc về mình nữa.
Em từng rơi vào một khoảng thời gian có thể coi là trầm cảm. Lúc đó, em không thể kể cho ai nghe về những gì em trải qua. Hàng đêm, em chỉ biết nói chuyện với con gấu nâu bà tặng em hồi nhỏ. Dù không giúp được gì, nhưng ít ra nó cũng nghe em nói. Đợt đấy em cũng đã lén đi mua thuốc uống. Em giấu mẹ vì mẹ đã rất áp lực về chuyện tiền bạc rồi. Em cố gắng tự xoay sở.
Bố đã từng nói với mẹ con em “Chúng mày là một lũ rác rưởi. Nếu không có chúng mày thì tao đã có một cuộc sống khác”. Em vẫn thường nghĩ mình ở đây làm gì? Nếu không có mình thì cuộc sống này có tốt hơn không?
Em từng tự tử. Em từng uống 50 viên thuốc ngủ, cắt cổ tay, uống thuốc chuột, nhưng cả mấy lần đó, ông bà đã phát hiện kịp và cứu em. Lúc đó, em chỉ nghĩ là mẹ đã quá khổ rồi. Nếu như bớt em đi thì mẹ em sẽ chỉ phải chăm lo cho em gái em thôi. Có lẽ mẹ em sẽ đỡ mệt mỏi như bây giờ.
Em gần như không được gặp bố. Bố đã có một gia đình mới rồi, cũng có những đứa con mới, chắc là ngoan hơn em, đẹp hơn em, tốt hơn em, nên chắc bố không cần em nữa. Em rất nhớ những lúc bố đưa em đi chơi, cùng em đá bóng. Em đã từng nghĩ rằng, nếu em là một đứa trẻ ngoan thì có lẽ bố đã không chán ghét mẹ con em như thế.
Nhiều khi, nhìn những đứa trẻ khác được bố mẹ đón về, dẫn đi ăn, đi chơi, em không hiểu tại sao em không có được những điều như vậy. Em cũng đã rất cố gắng làm một đứa trẻ ngoan. Tại sao em không xứng đáng được như vậy? Em đã từng rất oán trách. Vào hôm sinh nhật mình, em đã khóc một mình. Em tự hỏi tại sao mình lại được sinh ra trong cuộc đời này mà không có hạnh phúc?”
“Nếu em là một đứa trẻ ngoan thì có lẽ bố đã không chán ghét mẹ con em như thế”, “…có những đứa con mới, chắc là ngoan hơn em, đẹp hơn em, tốt hơn em nữa, nên chắc bố không cần em nữa”, có thể thấy câu chuyện của Hưng chứa đựng rất nhiều mặc cảm tội lỗi. Chưa kể, việc bị bố, một người rất có ý nghĩa với mình, buông câu nói “chúng mày là một lũ rác rưởi” làm Hưng tin rằng đó là sự thật và hoài nghi sự tồn tại của chính mình.
Giống như Hưng, rất nhiều trẻ lớn lên trong các gia đình có bố mẹ ly hôn/ly thân có xu hướng đổ lỗi cho chính mình. Một nghiên cứu thực hiện tại Mỹ, với 121 trẻ từ 6 đến 12 tuổi có cha mẹ ly hôn, cho thấy khoảng một phần ba số trẻ có cảm giác tự trách bản thân vào thời điểm 6 tháng sau khi bố mẹ chia tay. Con số này đã giảm xuống còn 20% trong một năm tiếp theo. Do đặc điểm tâm sinh lý của lứa tuổi vị thành niên, cũng như sự thiếu vắng các cuộc trò chuyện cởi mở của bố mẹ về những chuyện xảy ra trong gia đình, trẻ có xu hướng nghĩ rằng chúng là người có lỗi cho cuộc ly hôn/ly thân. Một loạt lời trách cứ với cú pháp “lẽ ra” xuất hiện trong tâm trí chúng, như “lẽ ra mình nên ngoan hơn”, “lẽ ra mình nên học giỏi hơn”, “lẽ ra mình nên chăm làm việc nhà hơn”,… Đáng chú ý, nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng cảm giác tội lỗi kéo dài có thể khiến cho trẻ mất dần sự tự tin và niềm vui trong cuộc sống. Từ đó, làm tăng nguy cơ gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm, rối loạn hành vi và thậm chí nhiều thanh thiếu niên có thể có ý định hoặc hành vi tự sát.
Mắc kẹt
“Đôi lúc thấy cũng buồn vì không có bố mẹ thì làm sao có em.”
(Khoa*, 19 tuổi, bố mẹ ly thân)
“Mẹ hoặc bố mà nói cái gì đấy là hai người sẽ ném bát đũa, xong rồi cãi nhau. Bố em tính hung cùn, có hôm còn đánh mẹ. Hồi đấy, em cũng con nít nên không biết ai đúng ai sai hết, chỉ sợ thôi.
Có một đêm, bố lấy tay mẹ đánh vào cái cửa kính. Hai anh em chạy ra ôm mẹ khóc. Bố nói thẳng vào mặt em “Sau này đừng có mà lấy vợ giống mẹ mày!”. Còn mẹ em lại bảo “Biết thế ngày xưa tao không lấy bố mày!”. Đôi lúc thấy cũng buồn vì không có bố mẹ thì làm sao có em.
Việc bố mẹ em cãi nhau cũng do tác động từ lời nói của người khác. Bố nghe người ta nói là mẹ em cặp bồ, đi chơi này nọ. Một lần khác, cậu em kể là có một cô nào vào bệnh viện thăm bố ốm, nhận là vợ của bố. Thế là mẹ em cũng lôi ra cái chuyện đấy để đối chất lại với bố em.
Đến bây giờ bố em điện thoại cho em thì vẫn lời qua tiếng lại nói xấu mẹ em. Em không thích như thế. Em mà có nói lại, bố sẽ kiểu “Ừ, mày cứ theo con mẹ mày đi”. Em chỉ im lặng, không nói gì hết.”
Trong cuốn "The Divorce Talk: How to tell the kids" (Nói với con về ly hôn), tác giả Vikki Stark khẳng định: "Ly hôn không phải nguyên nhân chính khiến trẻ bị tổn thương nhiều nhất mà là xung đột giữa cha và mẹ trong thời gian dài".
Câu chuyện về Khoa là câu chuyện điển hình của một đứa trẻ bị mắc kẹt giữa “cuộc chiến” của bố mẹ. Có thể thấy, trong những gia đình với hoàn cảnh tương tự, việc bố mẹ không thể giao tiếp trong hoà bình và thường xuyên đổ lỗi cho đối phương đã vô tình đặt những đứa con trong tâm thế phải lựa chọn. Và dù có lựa chọn ai đi chăng nữa, chúng cũng vẫn nhận về những lời nói đầy tổn thương từ người còn lại – chính bố hoặc mẹ mình. Để phản ứng lại, một số trẻ lựa chọn im lặng, trong khi số khác lại sử dụng những ngôn từ bạo lực, như chính những điều chúng từng phải trải qua.
Buồn tủi
“Mày có mẹ mà không có bố!”
(Mai*, 16 tuổi, bố mẹ ly hôn năm 6 tuổi)
“Bố mẹ em ly hôn từ khi em còn bé. Mọi người giấu em hết.
Lúc cấp 1, tụi trẻ con không biết gì, cứ thầm thì rồi trêu “Mày có mẹ mà không có bố!”, em tủi thân lắm. Đang ngồi học mà nghe thấy thế, em khóc luôn. Trên đường đi học về, thấy bố mẹ đón các bạn, em cũng tủi.
Trước đây, bố chiều em như bà hoàng, cứ thích gì là bố mua cho. Sau khi bố mẹ ly hôn, nói chung là cái gì cũng đủ, chỉ là không có bố. Mỗi dịp sinh nhật em, bố chỉ qua một lúc thôi rồi đi. Sinh nhật năm ngoái thì bố không tới, chỉ có mẹ em thôi.
Em gái của em vẫn đang đi học cấp 1. Thật ra em ấy chưa biết chuyện bố mẹ ly hôn, chỉ có một mình em biết thôi. Nếu mà em ấy biết, em nghĩ là cũng sẽ tủi thân như em. Mỗi khi em ấy hỏi bố đi đâu, em sẽ bảo là bố đi công tác bố chưa về.”
Câu chuyện của Mai liên quan sự khó khăn trong việc chấp nhận rằng bố mẹ mình đã ly hôn. Em nhắc về quá khứ đủ đầy và so sánh với thực tại với sự tiếc nuối và tủi thân. Câu chuyện này cũng phản ánh sự kỳ thị đối với những đứa trẻ lớn lên trong gia đình đổ vỡ.
Với xu hướng kìm nén cảm xúc và “không sao cả” của nhiều gia đình Việt Nam, một cuộc nói chuyện về những mâu thuẫn và xung đột, bao gồm việc ly hôn và ly thân, chưa bao giờ là điều dễ dàng. Trong câu chuyện của Mai, mãi đến lên cấp 2, em mới chính thức hỏi mẹ về những chuyện đã xảy ra. Điều đó có nghĩa rằng, trong những năm tháng cấp 1, Mai sống trong sự mơ hồ về mối quan hệ trong gia đình mình, đặc biệt mỗi khi em nhận được lời trêu chọc của bạn bè xung quanh. Liệu rằng, việc che giấu nói chuyện với trẻ về ly hôn/ly thân, có phải là một lựa chọn phù hợp?
Loay hoay tìm lối thoát
“Mẹ cũng bận nên mọi việc trong nhà là em lo. Dần dần, em không còn để ý nhiều đến bản thân nữa. Đợt đấy, em ngủ rất ít, nhiều khi chỉ 1-2 tiếng một ngày. Ăn thì bữa có, bữa không. Em cũng bắt đầu bị bạn bè lôi kéo đi chơi điện tử, bắt đầu hút thuốc.”
(Hưng*, 19 tuổi, bố mẹ ly hôn năm 12 tuổi)
“Hồi ấy xì trét, em đi chơi game với bạn bè để giải khuây. Rồi em nghiện game đến mức bỏ nhà đi chơi mấy hôm liền, rồi đi nhậu, đi bar. Đi bar thì không tránh khỏi việc chơi cần, chơi đá hoặc hít bóng cười. Lúc đấy, cái cảm giác buồn cũng vơi đi. Nhưng lúc hết tác dụng rồi, thực ra nỗi buồn vẫn còn ở đấy mà thôi.”
(Khoa*, 19 tuổi, bố mẹ ly thân)
Đại diện dự án “Bảo vệ Tương lai” do trung tâm SCDI thực hiện để cung cấp can thiệp giảm hại thanh thiếu niên sử dụng ma túy cho biết: “Trong quá trình trò chuyện với các em và dựa trên các đánh giá sàng lọc, chúng tôi nhận thấy có mối quan hệ chặt chẽ giữa trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu, trong số đó là việc có bố mẹ ly hôn, với nguy cơ sử dụng và nghiện chất. Trước những áp lực tâm lý mà các em trải qua khi phải chứng kiến, thậm chí phải tham gia trong quá trình giằng co, căng thẳng của người lớn cả trước, trong và sau ly hôn thì việc sử dụng chất gần như là lựa chọn để các em có thể tiếp tục đương đầu, giải tỏa cảm xúc của mình, chứ không phải vì mục đích đua đòi hay hư hỏng.” Ly hôn đều để lại những “vết thương” cho cả bố mẹ và con cái, đặc biệt với các em đang ở độ tuổi vị thành niên với nhiều biến đổi về tâm sinh lý. “Khi ly hôn là điều không thể tránh khỏi nữa thì bố mẹ và người lớn trong gia đình cần có những ứng xử văn minh, tránh có những hành vi, lời nói bạo lực, lăng mạ, xúc phạm lẫn nhau. Trẻ bị tổn thương vì cảm thấy mình trở nên dư thừa, thậm chí bị ghét bỏ hoặc phải đưa ra những quyết định, hành động vượt quá lứa tuổi của bản thân. Trẻ cũng cần được tôn trọng và lắng nghe. Không phải trẻ nào có bố mẹ ly hôn đều sử dụng chất, điều quan trọng là cần hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của quyết định này đến tâm lý, sức khỏe và các mối quan hệ xã hội của trẻ.” đại diện dự án Bảo vệ Tương lai chia sẻ thêm.
“Em sợ bị bỏ rơi. Giống như mẹ em đã từng bị bố bỏ rơi. Em đã từng nghe được rằng là chung thuỷ là một sự lựa chọn. Em cũng không ép người ta phải ở bên cạnh em nếu họ không hạnh phúc. Nhưng nếu người ta có rời đi, thì cũng hãy rời đi một cách nhẹ nhàng nhất, đừng để mọi thứ đổ vỡ trở nên không còn gì cả.”
(Hưng*, 19 tuổi, bố mẹ ly hôn năm 12 tuổi)
Để những hành trình không còn lẻ loi
Ở Việt Nam hiện có khoảng 60.000 vụ ly hôn mỗi năm, tương đương cứ bốn đôi đăng ký kết hôn có một đôi ra tòa, theo Tổng cục Thống kê năm 2019. Cũng theo báo cáo này, tỷ lệ ly hôn ở Việt Nam tăng so với cùng kỳ năm 2009, từ 1,4% lên 2,1%. Điều này đồng nghĩa rằng số lượng thanh thiếu niên lớn lên với sự chia ly của bố mẹ đang có xu hướng gia tăng.
Kể về trải nghiệm lớn lên trong gia đình ly hôn/ly thân, có những người đã có thể đối diện, chấp nhận và đang từng ngày bước qua những nỗi buồn ấu thơ, trong khi có người vẫn mắc kẹt trong những ký ức về một gia đình đủ đầy và chênh vênh khi nghĩ tới tương lai. Dẫu vậy, không thể phủ nhận đây là một trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu với những tác động kéo dài đến tuổi trưởng thành. Liệu rằng, những nỗi buồn ấu thơ ấy có thể xoa dịu?
“Nếu được quay lại tuổi 12, 13, em chỉ muốn có một người bạn. Một người bạn thực sự, không chỉ là một con gấu bông nữa. Một người bạn có thể nắm tay em, có thể ôm em những lúc em khóc nấc lên, kể cho em những điều tốt đẹp về cuộc sống.”
“Với những bạn lớn lên trong gia đình đổ vỡ, em thấy cần nhất là có gì buồn, cũng phải nói cho bố mẹ, đừng giấu một mình. Càng giấu một mình thì sẽ càng buồn thôi. ”
“Mấy tháng trước, em có học khoá Chánh niệm và Vắc-xin cho tinh thần, học thiền, rồi học mấy bài về tình yêu. Nhờ đó, em càng cảm thấy cần yêu bản thân nhiều hơn. Buổi nào rảnh rỗi, em lại mở một bài nhạc chill chill, ngồi thiền một lúc.”
Tạm kết
Xin được kết lại bằng câu chuyện “Standing on my own two feet” (tạm dịch: Trên đôi chân của con), kể về một cậu bé có cha mẹ chia tay. Cậu thấy mình có hai ngôi nhà, lúc ở nhà bố, lúc ở nhà mẹ, thỉnh thoảng ở nhà người này lại nhớ người kia. Cậu nhìn trăng sao trên trời, cậu biết cha mẹ cậu đôi lúc cãi nhau không phải lỗi của cậu, cha mẹ cậu sống hai nơi không phải lỗi của cậu và cậu cũng không thể làm gì. Điều quan trọng nhất, cậu biết rằng cha mẹ vẫn luôn yêu thương mình.
“Dù giờ bố và mẹ đều đã có người yêu mới, nhưng bất kể lúc nào em cần, em gọi điện, là cả bố và mẹ đều có mặt.” (Mai*, 16 tuổi, bố mẹ ly hôn năm 6 tuổi)
Việc chấp nhận rằng gia đình, nơi chốn thân thương nhất, đã có những điều đổi khác luôn là điều không hề dễ dàng. Chưa kể, để bước qua những đau thương và đổ vỡ của mỗi cuộc ly hôn/ly thân, những người trong cuộc cần rất nhiều nỗ lực và thời gian. Với những đứa trẻ từng mắc kẹt trong trải nghiệm tiêu cực thời ấu này, có lẽ tình yêu và sự chia sẻ từ những người thân thiết chính là một trong những cách xoa dịu gần gũi và hữu hiệu nhất.
*: Tên nhân vật đã được thay đổi
Tài liệu tham khảo:
https://projectknow.com/parents-guide/divorce-and-substance-abuse/
Healy, Stewart AJ, Copeland AP. The Role of Self-Blame in Children’s Adjustment to Parental Separation. Personality and Social Psychology Bulletin. 1993;19(3):279-289.
https://doi.org/10.1177%2F0146167293193004
Bài viết: Thảo Trang
Biên tập: Hương Nguyễn & Hoa Vũ
Minh họa: Trà Nhữ
- Bài viết liên quan