Rối loạn lo âu xã hội trong thời đại số

03:53 03/03/2019

Internet đã thay đổi xã hội của chúng ta một cách rất rõ rệt, đặc biệt là cách chúng ta giao tiếp với nhau. Người ta nhắn tin thay vì gọi điện. Chúng ta like, share, tweet, comment, đăng post, chụp hình, v.v... Ngay cả khi ngồi cùng nhau, chúng ta vẫn dán mắt vào màn hình điện thoại hay các thiết bị điện tử. Vì vậy cũng dễ hiểu nếu chứng lo âu xã hội cũng có biểu hiện khác trong thế giới kỹ thuật số.

Chứng lo âu xã hội được định nghĩa là cảm giác sợ hãi, lo lắng kéo dài của một người trong một hoặc nhiều tình huống hoặc hoạt động xã hội mà người đó phải tiếp xúc với người lạ hoặc có thể bị người khác soi xét. Cảm giác lo sợ này ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày và thường kéo dài ít nhất 6 tháng. Nó cũng là một trong những loại rối loạn lo âu phổ biến.

Lo âu xã hội ở mức độ vừa phải thực ra là có lợi. Nó phục vụ một chức năng sinh tồn rất quan trọng đối với con người. Trong giai đoạn phát triển bình thường của trẻ em, các giai đoạn lo lắng tự nhiên bao gồm lo lắng khi xa cha mẹ, lo lắng khi gặp người lạ v.v... Đây là những đặc điểm rất quan trọng. Nếu không có chúng thì đứa trẻ có thể phát triển không bình thường. Nhưng có một ngưỡng mà sự lo âu xã hội vượt quá chức năng tiến hóa của nó và trở nên không có lợi.

Tương tự như vậy, cũng có một ngưỡng mà việc sử dụng các mạng xã hội, các phương tiện truyền thông kỹ thuật số trở nên không tốt, không có lợi. Mạng xã hội được sử dụng rộng khắp bởi vì tất cả chúng ta đều có nhu cầu kết nối. Mạng xã hội cho phép chúng ta tạo ra các kết nối với người khác và giúp chúng ta đáp ứng nhu cầu gắn kết của bản thân. Vấn đề nảy sinh khi chúng ta không còn thực sự sống cuộc sống bình thường nữa vì quá nhiều thời gian được dành cho việc “sống ảo”.

Vậy liệu những người mắc chứng lo âu xã hội--nhiều người trong số họ thấy giao tiếp trên mạng ít căng thẳng hơn so với giao tiếp trực tiếp—có dành quá nhiều thời gian trên mạng đến nỗi cuộc sống bình thường bị ảnh hưởng?

Công nghệ kỹ thuật số là con dao hai lưỡi, có lẽ đặc biệt là khi nó tương tác với các hành vi lo sợ xã hội. Theo Franklin Schneier, giám đốc Phòng khám các chứng rối loạn lo âu tại Đại học Columbia nói “Rất khó để có thể nói rằng công nghệ nói chung là có lợi hay có hại. Sử dụng Internet có thể là một hành vi tránh né không lành mạnh cho những người mắc chứng lo âu xã hội. Nhưng mặt khác, có thể có những người rụt rè đến mức họ thực sự có rất ít cơ hội giao tiếp với người khác. Đối với những người này, kết nối trên mạng không phải là tránh né, mà thực sự là cải thiện cơ hội tương tác của họ.”

Một số nghiên cứu cho thấy rằng nhiều người mắc chứng lo âu xã hội thích giao tiếp trực tuyến. Một phân tích năm 2016 cho thấy mối liên hệ giữa chứng lo âu xã hội và cảm giác thoải mái khi ở trên mạng. Giao tiếp qua các mạng xã hội có thể thu hút những người mắc chứng lo âu xã hội nhờ một số yếu tố: giao tiếp dựa trên văn bản với khả năng ẩn danh, không cần sử dụng nhiều hình ảnh hay âm thanh... Nói cách khác, một số đặc điểm xã hội cần có trong giao tiếp trực diện là không có trên mạng. Những tín hiệu này thường làm cho những người mắc chứng lo âu xã hội lo lắng và khó chịu.  

Tuy nhiên giao tiếp trực tuyến có thể không mang lại bất kỳ lợi ích về sức khỏe nào cho những người mắc chứng lo âu xã hội. Thông thường những người mắc chứng lo âu xã hội cảm thấy thoải mái hơn khi giao tiếp trực tuyến. Và dần dần họ có thể dựa vào những giao tiếp này ngày càng nhiều hơn trong khi ngày càng tránh né các tương tác trực tiếp với người khác. Một nghiên cứu khác đã cho thấy những người mắc chứng lo âu xã hội cấp độ cao và thường xuyên giao tiếp online có mức độ hài lòng về bản thân thấp hơn và mức độ trầm cảm cao hơn. Điều này có thể có nghĩa là những nỗ lực của họ để giao tiếp trực tuyến có thể không giúp cải thiện tình trạng của họ.

Các cách thức giao tiếp trong cuộc sống thực vẫn là “tiêu chuẩn vàng” để điều trị chứng lo âu xã hội, bởi vì những tương tác trong cuộc sống thực mới là nguồn gốc thực sự của mọi lo lắng. Khi là một công cụ điều trị, phương pháp này buộc một người phải trực tiếp đối mặt và tham gia vào thực tế và giúp họ xây dựng niềm tin vào khả năng đương đầu với thực tế của chính họ.

Ngoài việc sử dụng phương pháp giao tiếp trực diện trong điều trị, giao tiếp trực diện nói chung là phương pháp giao tiếp tự nhiên và hiệu quả. Tại sao nhiều người đi hàng ngàn km để tham dự các hội thảo trong khi họ có thể có một hội thảo trên web? Tại sao chúng ta phải xuất hiện ở các đám cưới và tiệc sinh nhật trong khi chúng ta có thể dùng Skype? Một phần, đó là vì “con người đã tiến hóa để muốn giao tiếp với người khác trong cuộc sống thực”, Stefan Hofmann, giám đốc trung tâm nghiên cứu về tâm lý trị liệu đến từ Boston University lập luận.

Giống như chế độ ăn uống thiếu vitamin, không đáp ứng được nhu cầu phát triển của chúng ta, “chế độ dinh dưỡng” hoàn toàn trực tuyến thiếu các vitamin thiết yếu, khiến cho chúng ta tồn tại được nhưng không thể phát triển được. Điều này có thể đúng với tất cả chúng ta, nhưng nó có lẽ đặc biệt thích hợp với những người mắc chứng lo âu xã hội dựa vào Internet để đáp ứng hầu hết các nhu cầu mang tính xã hội của họ.

Nguồn: Psychologytoday