Rối loạn sử dụng rượu

05:27 25/12/2023

Rối loạn sử dụng rượu (Alcohol use disorder) liên quan đến việc uống rượu thường xuyên hoặc uống nhiều rượu, khó kiểm soát trong việc uống rượu và dẫn đến vấn đề trong các mối quan hệ, công việc, trường học, gia đình hoặc các lĩnh vực khác. Rối loạn sử dụng rượu khá phổ biến và thường không được điều trị. Có những phương pháp điều trị có hiệu quả bao gồm dùng thuốc, trị liệu và các nhóm hỗ trợ/tự lực. Mọi người có thể tìm cách điều trị và thay đổi vào bất kỳ thời điểm nào mà không cần phải đợi cho đến khi rượu biến đổi hoàn toàn cuộc sống của họ. Mỗi người cũng có thể lập những mục tiêu khác nhau từ giảm uống rượu đến cai nghiện hoàn toàn.

Nguồn ảnh: Freepik

1. Những con số biết nói

Năm 2023 tại Mỹ:

  • 84% người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên cho biết họ đã uống rượu ít nhất một lần trong đời. Trong đó, khoảng 11% có rối loạn sử dụng rượu trong năm qua. [3]
  • Khoảng 15% thanh niên (18 – 25 tuổi) có rối loạn sử dụng rượu trong năm qua. [4]
  • Khoảng 3% thanh thiếu niên (12 – 17 tuổi) có rối loạn sử dụng rượu trong năm qua. [3]
  • Cứ 10 trẻ em thì có 1 trẻ sống với cha mẹ có rối loạn sử dụng rượu. [5]

Tại Việt Nam:

  • Việt Nam xếp thứ 2 trong các nước khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người. [7]
  • Tỉ lệ uống quá độ đến mức nguy hại ở nam giới trưởng thành là 44,2% (năm 2015), tăng gần gấp 2 lần so với năm 2010 (25,1%). [7]
  • Theo Điều tra yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm năm 2021 có tới 64% nam giới và 10% nữ giới có uống rượu bia 30 ngày qua. [7]
  • Cứ 3 nam giới thì có 1 người uống ở mức nguy hại. [7]
  • Theo điều tra sức khỏe học sinh trường học 2019, tỷ lệ sử dụng rượu bia ở nam trẻ vị thành niên (13-17 tuổi) là 24.6% (giảm so với 33.2% năm 2013) và ở nữ là 20% (tăng so với 17.6% năm 2013). Trong đó, tỷ lệ đã từng uống say ở cả vị thành niên nam và nữ đều ở mức cao với 22.1% ở nam và 19.3% ở nữ. [7]

2. Triệu chứng và chẩn đoán

Rối loạn sử dụng rượu liên quan đến việc gặp vấn đề trong sử dụng rượu dẫn đến tình trạng phiền muộn hoặc các vấn đề về chức năng đáng kể. Các triệu chứng của rối loạn sử dụng rượu bao gồm:

  • Uống nhiều rượu hơn hoặc trong thời gian dài hơn dự định ban đầu.
  • Cố gắng cắt giảm hoặc kiểm soát việc sử dụng rượu không thành công.
  • Thèm khát, ham muốn mạnh mẽ hoặc thôi thúc sử dụng rượu tới mức không nghĩ được gì khác.
  • Uống rượu tới mức không thể hoàn thành công việc ở nhà, nơi làm việc hoặc trường học.
  • Tiếp tục sử dụng rượu ngay cả khi việc đó gây rắc rối cho gia đình và bạn bè.
  • Từ bỏ các hoạt động xã hội, công việc hoặc hoạt động giải trí quan trọng vì sử dụng rượu.
  • Sử dụng rượu nhiều lần trong các tình huống nguy hiểm về thể chất.
  • Tăng khả năng dung nạp rượu (cần uống nhiều rượu hơn để có cảm giác tương tự như ban đầu).
  • Trải qua các triệu chứng cai nghiện như run rẩy, bồn chồn, buồn nôn hoặc đổ mồ hôi sau khi ngừng hoặc giảm uống rượu.

Một người có 2 hoặc nhiều triệu chứng này trong 1 năm vừa qua thì có thể coi là dấu hiệu cảnh báo người đó mắc chứng rối loạn sử dụng rượu.

3. Hậu quả của việc sử dụng rượu

  • Rối loạn sử dụng rượu là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 4 có thể phòng ngừa được ở Mỹ. [6]
  • Rượu là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế. [7]
  • Rượu là yếu tố nguy cơ xếp thứ 2 trong 10 nguy cơ gây tàn tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam. [7]
  • Uống nhiều rượu có thể ảnh hưởng đến hầu hết mọi hệ cơ quan đặc biệt là hệ tiêu hóa, hệ tim mạch, hệ thần kinh trung ương và ngoại biên.
  • Rượu ảnh gây ra các vấn đề đường tiêu hóa bao gồm trào ngược axit/ợ nóng, viêm dạ dày và loét dạ dày. Rượu cũng có thể gây ra xơ gan và/hoặc viêm tụy ở những người sử dụng nhiều.
  • Rối loạn sử dụng rượu cũng là yếu tối liên quan đến sự gia tăng tai nạn, bạo lực, nguy cơ tự tử và trầm trạng các vấn đề sức khỏe tâm thần.
  • Người ta ước tính rằng 40% người dân Hoa Kỳ gặp phải tác dụng phụ liên quan đến rượu vào một thời điểm nào đó trong đời. [2]
  • Rượu chiếm tới 55% các vụ tai nạn lái xe gây tử vong tại Mỹ. [2] Rượu bia cũng là nguyên nhân lớn nhất gây ra 30% các vụ gây rối trật tự xã hội và 33,7% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam. [7]

4. Điều trị và phục hồi

Các phương pháp điều trị dựa trên bằng chứng bao gồm: dùng thuốc, điều trị hành vi (trị liệu/tư vấn), và các chương trình hỗ trợ lẫn nhau. Một người muốn điều trị chứng rối loạn sử dụng rượu có thể bắt đầu tìm gặp và nói chuyện với bác sĩ để tìm ra phương pháp điều trị và kế hoạch điều trị phù hợp với tình trạng của mình. Việc lập kế hoạch điều trị với bác sĩ và theo dõi tiến trình của kế hoạch đó có thể làm tăng đáng kể cơ hội phục hồi thành công. Tùy vào tình trạng và từng thời điểm, mục tiêu của mỗi người điều trị có thể là giảm, hạn chế uống rượu hoặc dừng hoàn toàn. Mỗi người sẽ có một hành trình phục hồi khác nhau, có những thời điểm tình trạng sử dụng rượu được cải thiện nhưng cũng có những thời điểm tình hình tệ đi. Vì vậy, sự hỗ trợ từ gia đình và bạn bè là vô cùng quan trọng đối với một người bắt đầu hành trình điều trị rối loạn sử dụng rượu.

Điều trị bằng thuốc: Bạn nên gặp bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và tư vấn điều trị phù hợp với tình trạng rối loạn sử dụng rượu của mình.

Phương pháp điều trị hành vi: Các phương pháp điều trị, trị liệu hoặc tư vấn hành vi có thể giúp mọi người hiểu và thay đổi các hành vi dẫn đến nghiện rượu nặng. Việc tư vấn có thể bao gồm:

  • Phát triển các kỹ năng giúp ngừng hoặc giảm uống rượu.
  • Giúp xây dựng một hệ thống hỗ trợ xã hội vững chắc.
  • Đặt ra các mục tiêu có thể đạt được.
  • Học cách đối phó hoặc tránh các tác nhân có thể dẫn đến tái nghiện.

Phương pháp điều trị hành vi có thể bao gồm các liệu pháp như liệu pháp nhận thức hành vi (Cognitive Behavioral Therapy), liệu pháp nâng cao động lực (Motivational Enhancement Therapy), tư vấn hôn nhân và gia đình, các biện pháp can thiệp ngắn hạn và các liệu pháp khác.

Hỗ trợ lẫn nhau: Các nhóm hỗ trợ đồng đẳng tại cộng đồng và các chương trình hỗ trợ khác sẽ rất hữu ích cho nhiều người bên cạnh điều trị bằng thuốc hành điều trị hành vi. Bạn có thể kết nối với một nhóm hỗ trợ đồng đẳng tại nơi mình sinh sống, tạo ra nhóm của mình hoặc đơn giản hơn là kết nối với bạn bè, người thân để nhận được sự hỗ trợ từ họ.

 

Tài liệu tham khảo:

  1. American Psychiatric Association. Alcohol Use Disorder. 2023.
  2. American Psychiatric Association. Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders, 5th Edition. 2022.
  3. National Institute on Alcohol Abuse and Alcoholism. Alcohol Treatment in the United States: Age Groups and Demographic Characteristics. 2023.
  4. National Institute on Alcohol Abuse and Alcoholism. Alcohol and Young Adults Age 18 to 25. 2023.
  5. National Institute on Alcohol Abuse and Alcoholism. Consequences for Families in the United States. 2023.
  6. National Institute on Alcohol Abuse and Alcoholism. Understanding Alcohol’s Adverse Impact on Health. 2023.
  7. ​Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế. Rượu bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh. 2022.
  • Bài viết liên quan