Thử nghiệm Trị liệu nghệ thuật và Trị liệu chơi trong Dự án Bảo vệ Tương lai

08:01 03/10/2022

Trị liệu dựa trên nghệ thuật (Art-based Therapy) và trị liệu qua trò chơi (Play Therapy) là gì?

Trị liệu dựa trên nghệ thuật (Art-based Therapy) có thể được hiểu là sử dụng các phương tiện sáng tạo để phát triển mối quan hệ mang tính trị liệu. Đây có thể là một giải pháp thay thế cho các hình thức trị liệu bằng trò chuyện, thông qua việc tạo điều kiện cho việc thể hiện các trạng thái nội tâm khó diễn đạt bằng lời (Hiệp hội Trị liệu Nghệ thuật Mỹ, 2018; Fancourt và Finn, 2019). Các hình thức trị liệu nghệ thuật thường gặp là: Vẽ bằng sơn hay bút, viết, điêu khắc, cắt dán, chụp ảnh, sáng tạo trên nền tảng kỹ thuật số.

Một hình thức trị liệu khác có nhiều điểm chung, nhưng vẫn cần được phân biệt với trị liệu nghệ thuật, là trị liệu qua trò chơi (Play therapy). Hiệp hội Trị liệu qua Trò chơi (APT) tại Mỹ định nghĩa trị liệu qua trò chơi là sử dụng một cách có hệ thống mô hình lý thuyết để thiết lập một quy trình giữa các cá nhân, trong đó các nhà trị liệu chơi được đào tạo để sử dụng sức mạnh trị liệu của trò chơi, nhằm giúp thân chủ ngăn ngừa hoặc giải quyết những khó khăn về mặt tâm lý xã hội, đạt được sự trưởng thành và phát triển tối ưu. Có thể thấy, hình thức trị liệu chơi thường phù hợp với trẻ em và thanh thiếu niên. Các phiên trị liệu diễn ra trong một môi trường nơi thân chủ (người tham gia) cảm thấy an toàn và ít bị giới hạn. Nhà trị liệu có thể sử dụng các kỹ thuật như: hình dung sáng tạo, kể chuyện, nhập vai, giả vờ nói chuyện điện thoại, dùng con rối, búp bê, thú nhồi bông, mặt nạ, nhân vật phim hành động, chơi với nước và cát, xây dựng bằng các khối và mảnh ghép, nhảy múa và chuyển động sáng tạo, chơi nhạc, cũng như thực hiện các hình thức nghệ thuật hay thủ công khác giống như trị liệu nghệ thuật.

Trị liệu qua trò chơi và Trị liệu nghệ thuật trong dự án Bảo vệ tương lai

Dự án “Bảo vệ tương lai“ do Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) thực hiện với sự tài trợ của L’Initiative (Quỹ Sáng kiến của Chính phủ Pháp) thông qua Expertise France (Cơ quan Hỗ trợ Kỹ thuật Quốc tế Pháp). Đây là dự án đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam hướng tới củng cố chất lượng can thiệp HIV trong nhóm người sử dụng ma túy từ 16 tới 24 tuổi thông qua các chiến lược sáng tạo, trong đó có sáng kiến áp dụng hình thức trị liệu nghệ thuật và trị liệu chơi.

Theo dữ liệu của dự án, đặc điểm tâm lý thường thấy của thanh thiếu niên sử dụng ma túy là có nhiều hành vi rủi ro, chịu một hay nhiều chấn thương tâm lý và cảm giác cô đơn, bị cô lập, khó giao tiếp với gia đình cũng như xã hội bên ngoài. Có những thanh niên không có kỹ năng ngôn ngữ để diễn đạt những cảm nhận của mình, họ không thể bày tỏ điều đó với người khác (thường là người lớn tuổi hơn và có quyền lực hơn) hoặc không có người lớn đáng tin cậy để bày tỏ những suy nghĩ sâu kín trong lòng mình. Mặt khác, người lớn có thể hiểu sai hoặc bỏ sót hoàn toàn các tín hiệu bằng lời nói và phi ngôn ngữ của họ. Ma túy đôi khi là cách duy nhất và thuận tiện mà họ biết để được đáp ứng nhu cầu giao tiếp xã hội, cũng như để làm tê liệt những đau đớn trong nội tâm của mình.

Ưu điểm nổi trội của cả hai hình thức trị liệu là khả năng tiếp cận nội tâm sâu kín của những người trẻ này một cách gián tiếp qua những hành động vui tươi và nhẹ nhàng của chơi đùa hay thực hành nghệ thuật, từ đó giúp họ giảm tác hại của việc sử dụng ma túy, cải thiện thói quen sinh hoạt và bảo vệ tương lai của bản thân. Những hoạt động ban đầu của dự án đã đạt được một số thành quả khả quan.

Thông qua hoạt động thử nghiệm cắt dán tranh, nhà tâm lý và cán bộ chương trình đã có khả năng tìm hiểu tâm tư và ước mong của một số thanh thiếu niên sử dụng ma túy như:

- Một số bạn nữ có mong muốn xây được một tổ ấm, một cửa hàng nhỏ, hay ước mơ có một kỳ nghỉ ở quê hương, nhằm đoàn tụ với gia đình, có được sự yên bình nội tâm hay giúp đỡ gia đình khó khăn.

- Trong khi đó, ước mơ của một số bạn nam thường khác biệt và tập trung vào vị thế xã hội nhiều hơn. Họ mong muốn sở hữu những món đồ giúp hình ảnh bản thân được cải thiện, được “anh em" công nhận, từ đó gián tiếp thực hiện những đòi hỏi của xã hội về nam giới là “trụ cột kinh tế". Điều này phản ánh hệ giá trị trong đó các bạn nam và nữ trên đã sinh ra và lớn lên cùng.

- Thông qua hoạt động nặn nhân vật thể hiện bản thân, vài cán bộ của các tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO) đã bộc lộ mong muốn được công nhận và được yêu thương. Nhân vật bằng đất sét đã “nói ra", một cách gián tiếp, những điều mà họ hằng muốn nói với những người thân yêu nhất nhưng điều kiện cuộc sống đã không cho phép họ làm như vậy.

Nhờ sự chia sẻ những câu chuyện này, tất cả các thành viên trong buổi sinh hoạt đã có dịp hiểu về nhau hơn: về những điểm chung gắn kết con người chúng ta, thay vì những khác biệt gây xa cách giữa chúng ta.

Cũng như các hình thức trị liệu tâm lý khác, trị liệu nghệ thuật và trị liệu chơi cần được duy trì đều đặn trong một khoảng thời gian dài như vài tháng đến một năm, có thể lên tới vài năm, tùy theo tình trạng và tốc độ tiếp nhận của thân chủ như một kiểu "nghi thức" (được hiểu như một thói quen mới, lành mạnh hơn), để tâm trí của người tham gia dần cởi bỏ những sợ hãi và phòng vệ ban đầu và mở ra những nhu cầu sâu kín nhất. Những thông tin này sau đó sẽ được các cán bộ ghi nhận, thảo luận và đề ra các phương án phù hợp nhất giúp dự án Bảo vệ tương lai hoàn thành mục tiêu quan trọng nhất là phòng chống HIV và giảm hại sử dụng ma túy cho các thế hệ trẻ ngày mai.

Giới thiệu về nhà tâm lý Nguyễn Vân Anh và nhóm cán bộ SCDI

ThS. Nguyễn Vân Anh là Nhà tâm lý học Trẻ em – Thanh thiếu niên được đào tạo tại Université Toulouse 2 Jean-Jaurès, Pháp và Đại học KHXH&NV – ĐHQG Hà Nội, Việt Nam. Từng làm việc dưới học vị Thạc sĩ ngành Tài chính-ngân hàng (Université Paris-Sud XI, Pháp) cũng như nhiều lĩnh vực nghề nghiệp khác (kinh doanh, phân phối, công tác xã hội, vv.), chị hiểu những mong mỏi cũng như khó khăn của một con người trong quá trình tìm hiểu bản thân và xây dựng một cuộc sống viên mãn, hạnh phúc. Chị đã công tác tại SCDI từ năm 2017-2018 và hợp tác trong giai đoạn đầu của dự án Bảo vệ Tương lai với vị trí là Cán bộ truyền thông. Năm 2022, chị quay lại dự án với tư cách là chuyên gia tâm lý học, nhằm thử nghiệm phương pháp trị liệu nghệ thuật và trị liệu chơi cho nhóm can thiệp tại TP. Hồ Chí Minh, với sự giúp đỡ của các cán bộ chương trình tại đây.

  • Bài viết liên quan