Trải nghiệm tiêu cực từ thời thơ ấu ảnh hưởng đến trẻ vị thành niên

10:29 26/12/2019

Theo định nghĩa của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ, trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu là thuật ngữ được sử dụng để mô tả tất cả các loại lạm dụng, ngược đãi, bỏ bê hay những trải nghiệm khác có khả năng gây thương tổn nghiêm trọng xảy ra với trẻ dưới 18 tuổi. Nó không chỉ là việc điểm thấp trong bài kiểm tra hay thua một trận thi đấu bóng đá, mà nó có ảnh hưởng sâu sắc và nghiêm trọng đến cơ thể và tâm sinh lý của đứa trẻ dưới 18 tuổi.

Những trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu được phân loại thành ba nhóm lớn:

1. Lạm dụng

  • Lạm dụng tình cảm: cha mẹ hoặc người chăm sóc chính của trẻ đã chửi rủa, xúc phạm, đôi khi là bạo lực làm cho đứa trẻ sợ hãi và tiêu cực tinh thần nghiêm trọng.
  • Lạm dụng thân thể: trẻ bị xô đẩy, túm, tát, đánh vào thân thể hoặc bị ném đồ vật vào người quá mạnh đến nỗi trẻ bị thương tích nghiêm trọng.
  • Lạm dụng tình dục: Một người trưởng thành, họ hàng, bạn bè của gia đình hoặc người lạ lớn hơn trẻ ít nhất 5 tuổi đã sờ, chạm vào vùng nhạy cảm như cơ quan sinh dục hay mơn trớn tình dục trên cơ thể trẻ, hoặc bắt trẻ chạm vào cơ thể của họ theo cách thức tình dục hay ngay cả bất cứ cố gắng nào liên quan đến quan hệ tình dục với trẻ.

2. Tổn thương trong gia đình

  • Cha/Mẹ đối xử bạo lực: bị cha hoặc mẹ hoặc người nuôi dưỡng hay những người thân đẩy, túm, tát, đá, cắn, ném đồ vật vào trẻ, đánh mạnh bằng một vật nào đó liên tục trong ít nhất vài phút, bị đe dọa hoặc đã bị gây tổn thương bằng vũ khí.
  • Gia đình có thành viên lạm dụng chất gây nghiện: Một thành viên trong gia đình là người nghiện lệ thuộc vào chất kích thích như rượu, ma túy đá, heroin,…
  • Gia đình có thành viên mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng: Một thành viên trong gia đình được chẩn đoán trầm cảm nghiêm trọng, tâm thần phân liệt, thực hiện hành vi tự sát (kể cả tự sát không thành),…
  • Cha mẹ ly thân hoặc ly dị: Cha mẹ trẻ đã từng ly thân hoặc ly dị.
  • Thành viên gia đình bị giam giữ: Thành viên trong gia đình đã đi tù.

3. Bỏ bê

  • Bỏ bê cảm xúc: Thiếu ít nhất thành viên nào đó trong gia đình khiến trẻ cảm thấy quan trọng, cảm thấy đặc biệt, cảm thấy được yêu thương, mọi người trong gia đình nhìn nhận giá trị của nhau bằng nhiều cách, cảm thấy gần gũi và gia đình được nhìn nhận như là một nguồn lực hỗ trợ.
  • Bỏ bê thể xác: khi trẻ bị đói, bố mẹ không đủ tỉnh táo hoặc ở quá xa để chăm sóc trẻ. Thiếu ít nhất thành viên nào đó trong gia đình chăm sóc trẻ, bảo vệ trẻ và đưa trẻ đến bác sĩ khi cần thiết.

 

trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu

    Không phải tất cả trẻ em có những trải nghiệm tiêu cực về lạm dụng và bỏ bê đều bị ảnh hưởng theo cùng một cách. Đối với một số trẻ em và thanh thiếu niên, ảnh hưởng của lạm dụng và bỏ bê trẻ em có thể kéo dài về sau này lâu dài và gây ra những tác động tiêu cực không nhỏ lên bản thân trẻ; tuy nhiên, những đứa trẻ khác lại có thể gặp hậu quả ít gây ảnh hưởng hơn (Miller-Perrin & Perrin, 2007). Một loạt các trải nghiệm cuộc sống và hoàn cảnh gia đình khác - cả tích cực và tiêu cực - đều tác động đến tính dễ bị tổn thương hoặc khả năng phục hồi của trẻ khi đối mặt với hành vi ngược đãi. Khả năng phục hồi đề cập đến khả năng của một đứa trẻ để đối phó và thậm chí khả năng lớn nhanh mặc dù chúng tiếp xúc với những trải nghiệm tiêu cực (Cổng thông tin phúc lợi trẻ em, 2008; Hunter, 2012). Khi một đứa trẻ từng bị lạm dụng hoặc bỏ bê sẽ có một vài đặc điểm tính cách mang tính bảo vệ (chẳng hạn như mối quan hệ tích cực với đại gia đình và bạn bè), nguy cơ về những kết quả bất lợi nghiêm trọng hơn cũng sẽ tăng lên.

- Các yếu tố rủi ro có thể dẫn đến kết quả trầm trọng hơn đối với trẻ em bị lạm dụng và bỏ bê bao gồm: bất lợi về kinh tế xã hội, bị cô lập trong xã hội, sống trong các khu phố nguy hiểm, gia đình lớn, người chăm sóc bị trầm cảm hoặc nghiện rượu hay ma túy, và liệu trẻ có bị khuyết tật không ( Dubowitz & Bennett, 2007; Jaffee & Maikovich-Fong, 2011).

- Các yếu tố góp phần vào khả năng phục hồi của trẻ bao gồm các thuộc tính trẻ em (ví dụ: lòng tự trọng và sự độc lập), các đặc điểm của môi trường gia đình (ví dụ: chất lượng nuôi dạy con cái) và các nguồn lực cộng đồng và gia đình (ví dụ, mối quan hệ bạn bè có chất lượng tốt và môi trường học đường) (Haskett và cộng sự, 2006; Hunter, 2012).

- Các yếu tố quan trọng tác động đến cách lạm dụng và bỏ bê trẻ ảnh hưởng đến trẻ em và thanh thiếu niên bao gồm: tần suất và thời gian bị ngược đãi và sự xuất hiện của nhiều hình thức ngược đãi.

 

yếu tố ảnh hưởng đến trải nghiệm tiêu cực

 

Các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến hậu quả của lạm dụng và bỏ bê trẻ em đối với trẻ em và thanh thiếu niên bao gồm:

- Độ tuổi và giai đoạn phát triển xảy ra ngược đãi: một số bằng chứng cho thấy trẻ càng nhỏ vào thời điểm bắt đầu bị ngược đãi, càng có nhiều khả năng chúng gặp phải các vấn đề sau này trong cuộc sống;

- Mức độ nghiêm trọng của ngược đãi: mức độ nghiêm trọng của lạm dụng hoặc bỏ bê càng cao thì khả năng gây ra kết quả tiêu cực càng cao;

- Loại lạm dụng và/hoặc bỏ bê: các loại ngược đãi khác nhau có thể liên quan đến các hậu quả tiêu cực khác nhau;

- Nhận thức của trẻ em hoặc thanh thiếu niên về việc lạm dụng: hậu quả tồi tệ hơn có thể xảy ra nếu nạn nhân trải qua cảm giác tự đổ lỗi, xấu hổ hoặc kỳ thị;

- Mối quan hệ giữa đứa trẻ với thủ phạm: ví dụ, trong trường hợp lạm dụng tình dục trẻ em, những ảnh hưởng tiêu cực gia tăng có xu hướng liên quan đến việc thủ phạm là người cha, có hình ảnh giống cha hoặc người mà đứa trẻ có mối quan hệ tình cảm với cường độ cao (Bromfield & Higgins, 2005; Miller-Perrin & Perrin, 2007; Price-Robertson et al., 2013).

Lạm dụng và bỏ bê trẻ em có thể ảnh hưởng đến tất cả các yếu tố phát triển có liên quan đến nhau - thể chất, tâm lý, cảm xúc, hành vi và xã hội.

1. Các vấn đề về mối quan hệ gắn bó và mối quan hệ giữa các cá nhân

    Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị lạm dụng và bỏ bê có nhiều khả năng gặp phải các vấn đề về gắn bó không an toàn hoặc vô tổ chức với người chăm sóc chính khi trẻ ở tuổi vị thành niên sau này. Các mô hình của sự gắn bó với người chăm sóc trẻ em là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển xã hội và cảm xúc sớm của trẻ. Đối với trẻ em có sự gắn bó không an toàn, cha mẹ/người chăm sóc đáng lẽ ra là nơi an toàn, bảo vệ và thoải mái đối với trẻ, nay lại trở thành nơi nguy hiểm hay gây hại. Nếu không có sự bảo vệ và hỗ trợ từ người chăm sóc chính, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể khó tin tưởng người khác khi gặp nạn, điều này có thể dẫn đến những trải nghiệm lo âu hoặc tức giận dai dẳng.

    Gắn bó không an toàn làm thay đổi quá trình phát triển bình thường của trẻ, điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng giao tiếp và tương tác của trẻ với người khác và ảnh hưởng đến khả năng hình thành các mối quan hệ lành mạnh trong suốt cuộc đời của chúng. Các đánh giá của tài liệu này đã báo cáo rằng ngược đãi trẻ em có liên quan đến các mối quan hệ bạn bè có vấn đề trong thời thơ ấu và thanh thiếu niên. Hơn nữa, những khó khăn trong quan hệ bạn bè có thể là tiền thân của những khó khăn trong mối quan hệ lãng mạn.

2. Các vấn đề về học tập và phát triển

    Có nhiều nghiên cứu đã tìm ra mối liên hệ chặt chẽ giữa ngược đãi trẻ em và khó khăn trong học tập và/hoặc thành tích học tập kém. Lạm dụng và bỏ bê trong những năm đầu đời có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng phát triển của trẻ sơ sinh, đặc biệt là trong tầm quan trọng của lời nói và ngôn ngữ.

    Các nghiên cứu đã liên tục chỉ ra rằng trẻ em bị ngược đãi có thành tích giáo dục thấp hơn so với các nhóm trẻ khác. Trong một phân tích tổng hợp của Veltman và Browne (2001), 31 trong số 34 nghiên cứu (91%) chỉ ra rằng lạm dụng và bỏ bê có liên quan đến thành tích học tập kém và 36 trong số 42  nghiên cứu (86%) cho thấy sự chậm trễ trong việc phát triển ngôn ngữ. Tuy nhiên, các tác giả thừa nhận rằng các nghiên cứu liên quan đến lạm dụng và bỏ bê trẻ em với các vấn đề học tập là vấn đề ở chỗ hầu hết các nghiên cứu không biết tình trạng trí tuệ của trẻ em trước khi ngược đãi. Một nghiên cứu dài hạn gần đây về trẻ em bị ngược đãi ở Hoa Kỳ đã phát hiện ra rằng sự ngược đãi mãn tính có ảnh hưởng tiêu cực đến điểm số môn toán và hình thức ngược đãi ảnh hưởng tiêu cực đến điểm đọc hiểu nhưng lại có sự thông minh và kỹ năng sống hàng ngày cao hơn (ví dụ: khả năng tự mặc quần áo, khả năng thực hiện các công việc gia đình) là các yếu tố bảo vệ chống lại kết quả điểm số kém ở môn toán và đọc hiểu.

3. Các vấn đề về sức khỏe tâm thần

    Nghiên cứu gần đây cho thấy những đứa trẻ được chẩn đoán bị stress sau sang chấn (PTSD) bị sang chấn phức tạp. Những đứa trẻ này cũng thường gặp phải các rối loạn khác như rối loạn tăng động giảm chú ý, rối loạn phản kháng và rối loạn hành vi, lạm dụng chất và rối loạn lo âu, rối loạn tâm trạng, tâm thần và rối loạn điều chỉnh.

    Các vấn đề về sức khỏe tâm thần, chẳng hạn như trầm cảm và rối loạn lo âu, liên quan đến lạm dụng và bỏ bê trẻ em, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên. Các nghiên cứu trên đều cho thấy mối liên hệ cao giữa ngược đãi trẻ em và trầm cảm ở tuổi thiếu niên (Harkness & Lumley, 2008). Ví dụ, các tác giả đã trích dẫn một nghiên cứu theo chiều dọc của Brown và các đồng nghiệp đã phát hiện ra rằng trẻ em và thanh thiếu niên báo cáo tiền sử lạm dụng hoặc bỏ bê có nguy cơ mắc chứng trầm cảm cao gấp ba lần so với trẻ em không bị ngược đãi. Tương tự, trong một nghiên cứu của Victoria về các đặc điểm của trẻ em được đề cập đến một dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho trẻ em bị lạm dụng hoặc bỏ bê (Chương trình Take Two), 62% trẻ em đáp ứng các tiêu chí cho ít nhất một chẩn đoán về sức khỏe tâm thần.

    Rối loạn ăn uống, bao gồm chán ăn và hành vi thanh trừng, cũng có thể liên quan đến lạm dụng và bỏ bê trẻ em. Lạm dụng tình dục cũng có liên quan đến rối loạn ăn uống ở trẻ em và thanh thiếu niên; tuy nhiên, việc trẻ nhỏ trải qua các loại ngược đãi khác hoặc nhiều hình thức lạm dụng và bỏ bê cũng được chứng minh là làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn ăn uống.

4. Tự sát sớm

    Lạm dụng và bỏ bê thời thơ ấu làm tăng đáng kể nguy cơ về ý tưởng tự tử và cố gắng tự tử ở những người trẻ tuổi. Evans và các đồng nghiệp (2005) đã tìm thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa lạm dụng thể xác và tình dục và cố gắng tự tử hay có ý nghĩ tự tử xảy ra trong thời niên thiếu. Tương tự, Miller và các đồng nghiệp (2013) đã phát hiện ra rằng mặc dù tất cả các hình thức ngược đãi đều liên quan đến ý tưởng tự tử và cố gắng tự tử của thanh thiếu niên, lạm dụng tình dục trẻ em và lạm dụng tình cảm có thể có tầm ảnh hưởng quan trọng hơn lạm dụng hoặc bỏ rơi về thể chất. Brodksy và Stanley (2008) cũng nhận thấy rằng rủi ro của việc cố gắng tự tử lặp đi lặp lại cao hơn gấp 8 lần đối với thanh thiếu niên từng bị lạm dụng tình dục. Họ còn cho rằng lạm dụng tình dục có thể liên quan cụ thể đến hành vi tự tử vì nó liên quan chặt chẽ với cảm giác xấu hổ và tâm trạng tự đổ lỗi.

5. Lạm dụng rượu và ma túy

    Các tác động tâm lý của lạm dụng và bỏ bê trẻ em có thể dẫn đến các vấn đề lạm dụng rượu và ma túy ở tuổi thiếu niên và tuổi trưởng thành. Bằng chứng cho thấy rằng tất cả các loại ngược đãi trẻ em có liên quan đáng kể đến mức độ sử dụng chất gây nghiện cao hơn (thuốc lá, rượu và ma túy bất hợp pháp). Khi khảo sát học sinh trường công ở các Lớp 6, 9 và 12 tại Hoa Kỳ, Harrison và đồng nghiệp (1997) đã phát hiện ra rằng vị thành niên từng bị lạm dụng thể chất hoặc tình dục làm tăng khả năng chúng sử dụng rượu, cần sa và các loại chất kích thích khác. Một nghiên cứu khác ở Hoa Kỳ cho thấy 28% thanh thiếu niên bị lạm dụng thể chất đã sử dụng ma túy so với 14% thanh thiếu niên không bị lạm dụng (Perkins & Jones, 2004). So với 22% nhóm không lạm dụng, 36% thanh thiếu niên bị lạm dụng thể chất cũng có mức độ sử dụng rượu cao.

 

hậu quả từ trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu

 

6. Các vấn đề về hành vi

    Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng lạm dụng và bỏ bê trẻ em có liên quan đến các vấn đề về hành vi ở thời thơ ấu và thanh thiếu niên. Những đứa trẻ bị ngược đãi thời thơ ấu càng có nhiều khả năng phát triển các vấn đề về hành vi ở tuổi thiếu niên. Các hành vi ngược đãi thường tạo ra các hành vi nội tâm (thu mình, buồn bã,  bị cô lập và chán nản) và các hành vi bên ngoài (hung hăng hoặc hiếu động) trong suốt thời thơ ấu. Các nghiên cứu theo chiều dọc đã chỉ ra rằng việc tiếp xúc với một loại ngược đãi cũng như nhiều loại có liên quan đến các hành vi nội tâm hóa và ngoại hóa gia tăng ở thời thơ ấu và thanh thiếu niên. Một nghiên cứu lớn có tính đại diện trên toàn quốc tại Hoa Kỳ đã báo cáo rằng trẻ em bị ngược đãi trong nhiều thời kỳ phát triển (sơ sinh, lúc mới biết đi, đi học mẫu giáo và những năm học tiểu học) cho thấy nhiều hành vi có vấn đề hơn trẻ em bị ngược đãi trong một giai đoạn phát triển (Jaffee & Maikovich-Fong, 2011).

7. Hung hăng, bạo lực và hành vi phạm tội

    Ngoài việc cảm thấy đau đớn và đau khổ, trẻ em bị lạm dụng và bỏ bê còn có nguy cơ gây đau đớn cho người khác và phát triển các hành vi hung hăng và bạo lực ở tuổi thiếu niên. Nhiều nghiên cứu cho thấy lạm dụng thể chất và tiếp xúc với bạo lực gia đình là những yếu tố dự báo nhất quán về bạo lực ở độ tuổi thanh thiếu niên. Theo một nghiên cứu của Viện Tư pháp Quốc gia tại Hoa Kỳ dự đoán rằng trẻ em bị lạm dụng và bỏ bê có khả năng bị bắt vì hành vi phạm tội ở tuổi vị thành niên cao hơn 11 lần. Trong chương trình Take Two ở Victoria, có 83% trẻ em đã có hành vi bạo lực nghiêm trọng, lặp đi lặp lại đối với người khác.

8. Vấn đề về sức khỏe thể chất

    Flaherty và các cộng sự (2006) đã phát hiện ra rằng việc tiếp xúc với một trải nghiệm tiêu cực làm tăng gấp đôi tỷ lệ trẻ em có sức khỏe thể chất kém vào lúc 6 tuổi và tăng gấp ba lần nếu trẻ em trải qua bốn hoặc nhiều trải nghiệm tiêu cực. Hussey, Chang và Kotch (2006) tìm thấy tất cả các loại lạm dụng và bỏ bê có liên quan đến 8 trong số 10 rủi ro lớn về sức khỏe của thanh thiếu niên.

    Theo Cổng thông tin phúc lợi trẻ em (2008), lạm dụng trẻ em còn gây ra hội chứng rung lắc ở trẻ. Các vấn đề sức khỏe do hội chứng rung lắc ở trẻ gây ra có thể là: tổn thương não, chấn thương cột sống, giảm thính lực, khó nói và thậm chí tử vong

9. Mang thai ở tuổi vị thành niên

    Những hậu quả tiêu cực của việc mang thai và hoạt động tình dục gây rủi ro ở tuổi vị thành niên cũng có thể liên quan đến những trải nghiệm lạm dụng và bỏ bê hồi nhỏ. Có một nghiên cứu báo cáo rằng hình thức lạm dụng này làm tăng gấp đôi nguy cơ mang thai ở tuổi vị thành niên, tức là trước 20 tuổi). Ngoài ra, những người phụ nữ trẻ (18 tuổi) bị lạm dụng tình dục thời thơ ấu sẽ có tỷ lệ mang thai ở tuổi vị thành niên cao hơn, tỷ lệ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục cao hơn, tỷ lệ quan hệ tình dục nhiều hơn và dường như cũng dễ bị tấn công và cưỡng hiếp hơn những người không bị lạm dụng.

10. Vô gia cư

    Nghiên cứu cho thấy rằng trẻ em và thanh thiếu niên có thể gặp phải tình trạng vô gia cư hoặc mất ổn định nhà ở do bị lạm dụng và bỏ bê. Viện Y tế và Phúc lợi Úc (2012) chỉ ra rằng 56.559 trẻ em từ 15 tuổi trở lên đã cùng cha mẹ tham gia các dịch vụ cho người vô gia cư vào năm 2011-12, và lý do chính để trẻ em cùng đi tìm kiếm sự hỗ trợ đó là do bạo lực gia đình.

    Những người trẻ tuổi bị bỏ rơi và không nhận được sự chăm sóc từ cha mẹ vì bị lạm dụng hoặc bỏ bê cũng có thể phải đối mặt với tình trạng vô gia cư và thất nghiệp ngay sau khi rời khỏi nhà chăm sóc (ví dụ, khi họ 18 tuổi). Việc thiếu mạng lưới hỗ trợ xã hội và thành tích học tập kém thường góp phần vào những khó khăn mà những người trẻ gặp phải trong việc tìm kiếm nhà ở và việc làm đầy đủ sau khi không được nhận sự chăm sóc nữa.

11. Lạm dụng dẫn đến tử vong

    Hậu quả bi thảm và cực đoan nhất của lạm dụng và bỏ bê trẻ em là lạm dụng dẫn đến tử vong. Tổ chức Y tế Thế giới (2010) ước tính 31.000 trường hợp tử vong ở trẻ em từ 15 tuổi trở xuống trên toàn thế giới xảy ra hàng năm. Đây được coi là một sự đánh giá thấp vì có một số lượng lớn các trường hợp tử vong do lạm dụng và bỏ bê không được báo cáo do bị phân định sai cho các nguyên nhân khác như điều tra không đầy đủ và không thực hiện kiểm tra sau khi chết.

Nguồn:Aifs.gov.au