LSD (Tem)

03:15 12/09/2018

Tên khoa học: Lysergic acid diethylamide (LSD)

Tên phổ biến hoặc tên đường phố: “tem”

LSD (lysergic acid diethylamide), lần đầu tiên được tổng hợp vào năm 1938, là một chất gây ảo giác cực mạnh. Nó được tổng hợp từ axit lysergic, được tìm thấy ở nấm ergot, một loại nấm mọc trên lúa mạch đen và các loại ngũ cốc. Nó rất mạnh nên liều dùng thường chỉ trong phạm vi microgam. Tác động của nó thường bao gồm cảm giác kích thích, vui vẻ, dễ chịu nhưng cũng có thể dẫn đến cảm giác khó chịu, đôi khi đáng sợ.

LSD được sản xuất ở dạng tinh thể và sau đó được trộn với các thành phần không hoạt tính khác, hoặc pha loãng thành một chất lỏng để sản xuất ở dạng uống được. Chất này không mùi, không màu và có vị hơi đắng.

LSD khi được bán ra trên thị trường đen thường ở dưới những hình thức như:

  • Tem (LSD thấm vào các tờ giấy thấm với thiết kế sặc sỡ; cắt thành các miếng riêng lẻ với liều lượng nhỏ) - dạng phổ biến nhất.
  • Các miếng gelatin vuông mỏng
  • Dạng viên nén hoặc viên nang
  • Dạng lỏng phủ trên các viên đường
  • Dạng lỏng tinh khiết (có thể cực kỳ mạnh)

LSD là một loại chất làm thay đổi tâm trí. LSD thường được coi là nguyên nhân gây ra các ảo giác đặc trưng thông qua tương tác với các thụ thể serotonin trong não. Serotonin là một chất dẫn truyền thần kinh giúp kiểm soát hành vi và tâm trạng của bạn, điều khiển các giác quan và điều chỉnh các suy nghĩ của bạn.

Các tác động sinh lý của LSD đối với mỗi người là khác nhau, và không thể biết trước được liệu một người sẽ có trải nghiệm tốt hay xấu với LSD. Thông thường, các tác dụng đầu tiên của LSD khi uống bằng miệng được cảm nhận từ 30 đến 45 phút sau khi uống, tác dụng cao nhất sau 2 đến 4 giờ, và có thể kéo dài 12 giờ hoặc lâu hơn. Sử dụng bằng đường tiêm tĩnh mạch sẽ tạo ra một tác động nhanh hơn nhiều, thường chỉ trong vòng 10 phút. Các tác động bao gồm:

  • Ảo giác
  • Nhận thức trực quan về hình dạng, màu sắc bị thay đổi
  • Âm thanh bị thay đổi
  • Lo âutrầm cảm
  • Các cơn “gợi lại” (có lại cảm giác như lúc sử dụng trước đây) nhiều ngày hoặc tháng sau sử dụng  
  • Nhịp tim nhanh, nhiệt độ cơ thể tăng và huyết áp cao
  • Đồng tử giãn nở

Những thay đổi nghiêm trọng về cảm xúc cũng có thể xảy ra. Nếu dùng với liều lượng đủ lớn, LSD sẽ gây ra hoang tưởng và ảo giác thị giác. Quá liều có thể dẫn đến rối loạn tâm thần nghiêm trọng. Tử vong thường do chấn thương trực tiếp trong khi chịu ảnh hưởng của LSD; LSD không có liều gây chết người.

Các tác động sinh lý cũng có thể bao gồm buồn nôn, chán ăn, tăng lượng đường trong máu, khó ngủ, khô miệng, run rẩy và co giật.

Người dùng cũng có thể cảm thấy sự suy giảm nhận thức về chiều sâu và thời gian, cùng với nhận thức méo mó về kích thước và hình dạng của mọi vật, mọi chuyển động, màu sắc, âm thanh, xúc giác và cả hình ảnh của chính bạn. Các cảm giác này dường như "tràn ngập", tạo cảm giác nghe thấy màu sắc và nhìn thấy âm thanh. Những thay đổi này có thể rất đáng sợ và có thể gây hoảng loạn. Một số người dùng LSD trải qua những suy nghĩ và cảm xúc kinh khủng, như sợ mất kiểm soát, sợ trở nên điên khùng và sợ chết.

Một lần sử dụng LSD được gọi là một “trải nghiệm”, còn các tác động tâm lý tiêu cực, cấp tính được gọi là một “trải nghiệm tồi tệ”. Những trải nghiệm này thường kéo dài, và có thể kéo dài 6 đến 12 giờ đối với liều cao và có thể mất tới 24 giờ để trở về trạng thái bình thường.

Dưới ảnh hưởng của LSD, khả năng đưa ra các phán đoán hợp lý và nhận ra những mối nguy hiểm thông thường bị suy giảm, làm cho người sử dụng dễ bị thương tích, thậm chí có thể gây tử vong.

Sau một “trải nghiệm” LSD, người sử dụng có thể bị lo âu hoặc trầm cảm cấp tính, và cũng có thể bị phản ứng lại (còn được gọi là rối loạn nhận thức ảo giác), là sự tái phát của những tác động của LSD nhiều ngày hoặc thậm chí vài tháng sau khi sử dụng LSD.

  • Một cơn tái phát xảy ra đột ngột, không có cảnh báo, thường gặp ở những người sử dụng các chất gây ảo giác kinh niên hoặc có vấn đề về tâm lý từ trước.
  • Những người khỏe mạnh chỉ thỉnh thoảng sử dụng LSD cũng có thể có các cơn tái phát.
  • Các “trải nghiệm tồi tệ” và cơn tái phát chỉ là một trong số những nguy cơ khi sử dụng LSD. Người dùng LSD cũng có thể có những rối loạn tâm thần lâu dài, chẳng hạn như tâm thần phân liệt hoặc trầm cảm nặng.

Sử dụng LSD dẫn tới hiện tượng dung nạp, có nghĩa là người dùng cần liều LSD cao hơn để đạt mức độ “phê” trước đó. Một số người dùng ma túy liên tục phải dùng liều cao hơn để đạt được mức độ độc tính mà trước đây họ đã đạt được. Đây là một hành vi cực kỳ nguy hiểm, do đặc tính khó kiểm soát của ma túy.

Khi quyết định điều trị, có một số bước cần thực hiện như sau:

  • Nói chuyện với một nhân viên y tế để họ hướng dẫn bạn đến các nguồn trợ giúp đáng tin cậy và theo dõi tiến trình của bạn.
  • Liệu pháp trò chuyện (tư vấn hành vi) và/hoặc tư vấn nhóm có thể là một lựa chọn để giúp bạn hiểu hành vi của mình và lý do tại sao bạn tiếp tục sử dụng LSD.
  • Đến khám, tư vấn đúng hẹn và làm theo kế hoạch điều trị của bác sĩ.
  • Có thể cho gia đình hoặc bạn bè đáng tin cậy biết về kế hoạch điều trị của bạn.
  • Hãy tự chăm sóc bản thân: tập thể dục, ăn uống lành mạnh và kiểm soát mức độ stress của bạn. Hãy ở gần với những người muốn giúp đỡ bạn.
  • Có thể cần thêm liệu pháp y tế để điều trị các triệu chứng do sử dụng ma túy, chẳng hạn như lo âu, trầm cảm hoặc tâm thần phân liệt.
  • Tìm ra những sở thích mới để khiến tâm trí của bạn không còn nghĩ tới LSD nữa. Bạn có thể cân nhắc một cơ hội làm tình nguyện viên chẳng hạn.
  • Mỗi ngày hãy cố gắng tránh xa những người lạm dụng ma túy, thậm chí cả khi họ đã từng là bạn của bạn.

 

Nguồn: drugabuse.gov