Dự phòng lây, nhiễm HIV

10:47 12/12/2018

Đây được xem là biện pháp then chốt và có hiệu quả cao nhất trong dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS. Mỗi cá nhân cần đánh giá đúng mực hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV hiện diện trong đời sống của mình, từ đó xây dựng cho riêng mình một kế hoạch quản lý hành vi nguy cơ.

Hai đường lây nhiễm quan trong và phổ biến là quan hệ tình dục không an toàn và tiêm chích ma tùy chung kim:

  • Với đường lây qua tiêm chích ma túy: mỗi cá nhân cần tránh tiếp xúc và sử dụng các chất gây nghiện nói chung. Nếu là người sử dụng ma túy qua đường tiêm chích cần hạn chế tối đa việc chia sẻ kim tiêm và dung dịch pha tiêm với bạn chích chung, đồng thời chủ động tham gia cai nghiện hoặc chương trình methadone để thoát khỏi ảnh hưởng của ma túy càng sớm càng tốt.
  • Với đường lây qua quan hệ tình dục: mỗi người cần trang bị kiến thức về tình dục an toàn để bảo vệ bản thân. Các biện pháp cụ thể bao gồm kiêng giao hợp, giảm số lượng bạn tình, chung thủy, sử dụng bao cao su đúng cách, tránh quan hệ khi say xỉn…

Mặc dù không trực tiếp giảm nguy cơ lây nhiễm HIV, việc tham gia xét nghiệm cũng mang lại những tác động tích cực, và do vậy, cũng được xem là một mắc xích quan trọng trong chương trình phòng chống HIV/AIDS.

Lợi ích trực tiếp của xét nghiệm HIV là xác định tình trạng huyết thanh của bản thân.

  • Nếu âm tính, tham vấn viên có thể cung cấp thêm kiến thức, chia sẻ về biện pháp cũng như hỗ trợ khách hàng xây dựng kế hoạch quản lý hành vi nguy cơ, nhằm mục đích duy trì tình trạng âm tính càng lâu càng tốt.
  • Nếu dương tính, người bệnh có cơ hội tiếp cận nhanh chóng với chương trình điều trị, từ đó hưỡng được trọn vẹn lợi ích của điều trị sớm trong việc đảm bảo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Tham gia xét nghiệm HIV định kỳ cũng đồng thời nâng cao nhận thức về bệnh, từ đó có giá trị định hướng cho hành vi và lối sống.

Điều trị dự phòng sau phơi nhiễm là biện pháp giảm nguy cơ nhiễm HIV nhờ vào tác dụng của thuốc kháng virus – ARV. Thông tin về nhiễm HIV cấp tính cho thấy nhiễm HIV toàn hệ thống không xảy ra ngay lập tức, mà có một thời gian trì hoãn ngắn kéo dài khoảng 2-3 ngày sau khi phơi nhiễm với HIV trước khi có mặt của HIV ở trong máu, đánh dấu thời điểm “chính thức” nhiễm HIV. Trong giai đoạn “cửa sổ cơ hội” này, thuốc kháng vi rút có thể phòng ngừa nhiễm HIV bằng cách khống chế sự sinh sản của HIV, cô lập và đào thải những tế bào đã bị nhiễm HIV ra khỏi cơ thể.

Những nghiên cứu khoa học thực nghiệm cũng cho thấy hiệu quả đáng tin cậy của phương pháp này với hiệu quả bảo vệ vào khoảng 90-95%. Hiệu quả của phương pháp này giảm dần theo thời gian, và được cho là có ít hoặc không còn giá trị nếu sử dụng sau 72 giờ.

Như vậy, phương pháp này sử dụng trong những tình huống mới phơi nhiễm với HIV: quan hệ tình dục không bao cao su, bị rách bao khi quan hệ, bị kim đâm…. Ngay khi phơi nhiễm, cần nhanh chóng xử lý vết thương nếu có và tiếp cận với cơ sở chăm sóc và điều trị HIV để được cung cấp điều trị PEP nếu có chỉ định.

Phương pháp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm cũng dựa trên tác dụng khống chế virus HIV của thuốc ARV. Khác với điều trị sau phơi nhiễm chỉ sử dụng thuốc sau khi có tiếp xúc nghi ngờ, phương pháp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm đòi hỏi người sử dụng phải uống liên tục mỗi ngày thuốc ARV với mục đích duy trì nồng độ thuốc ARV trong máu ở mức có hiệu quả bảo vệ khỏi sự xâm nhập của HIV.

Những nghiên cứu lâm sàng đánh giá hiệu quả của phương pháp này cho thấy hiệu quả bảo vệ dao động từ khoảng 45-60%, có thể đạt đến khoảng 70-80% nếu tuân thủ nghiêm nhặt.

Hiện phương pháp này chưa được áp dụng rộng rãi và chưa được triển khai ở Việt Nam. Ở quốc gia phát triển có hướng dẫn về phương pháp này như Hoa Kỳ, hiện cũng chỉ tập trung trên những nhóm nguy cơ cao như nam quan hệ đồng giới, người hành nghề mại dâm, bạn tình âm tính của người có H... Đây được xem là một lựa chọn “mang tính cá nhân” bên cạnh biện pháp quản lý hành vi nguy cơ vốn đơn giản hơn và có chi phí thấp hơn nhiều.

Nhiều bằng chứng khoa học trong những năm gần đây cho thấy hiệu quả dự phòng của điều trị ARV cho người nhiễm HIV. Nói một cách đơn giản, việc điều trị cho người bệnh, khống chế tốt tải lượng virus HIV trong máu của họ, sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm HIV sang người khác.

Hướng dẫn mới nhất của Tổ chức y tế thế giới, công bố vào năm 2013, đã thể hiện trọn vẹn tinh thần này. Theo đó, tiêu chuẩn bắt đầu điều trị ARV được nâng từ chỉ số CD4 > 350 tế bào/mm3 thành 500 tế bào/mm3, đồng thời cũng đưa ra chỉ định điều trị cho những người nhiễm có bạn tình âm tính, điều mà hướng dẫn năm 2010 không hề đề cập. Những quốc gia phát triển còn áp dụng mô hình “test and treat”, xét nghiệm và điều trị, theo đó, chỉ định điều trị ARV được mở rộng cho tất cả người nhiễm, thay vì theo những tiêu chuẩn khởi động ARV dựa trên tình trạng lâm sàng hay chỉ số xét nghiệm miễn dịch bằng tế bào CD4.

Trong bối cảnh nước ta, việc áp dụng tiêu chuẩn điều trị nào còn tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể, tuy nhiên, điều này vẫn không xa rời với tinh thần và lợi ích của việc điều trị sớm.

Như vậy, bên cạnh việc đảm bảo sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống, người nhiễm HIV có thêm một mục đích để tham gia điều trị: giảm nguy cơ lây nhiễm cho nhửng người xung quanh, trước nhất là người thân trong gia đình mình.

Song song với điều trị, người bệnh cũng được tham vấn để biết cách quản lý hành vi nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm qua các tiếp xúc thân mật ở gia đình hay trong đời sống tình cảm.

Đường lây truyền từ mẹ sang con là nguyên nhân chính gây nhiễm trên trẻ em. Khả năng lây nhiễm tự nhiên của đường lây này ước tính khoảng 35-40%, như vậy, nếu không có can thiệp y tế nào, cứ 10 bà mẹ nhiễm HIV sinh con thì có khoảng 3-4 trẻ em bị lây nhiễm căn bệnh này. Tuy nhiên, từ khi áp dụng biện pháp dự phòng lây truyền mẹ con, tỷ lệ lây nhiễm này giảm xuống còn khoảng 5%, từ đó, khả năng bà mẹ nhiễm HIV sinh con khỏe mạnh là hoàn toàn có thể.

Can thiệp này bao gồm: điều trị ARV cho bà mẹ bắt đầu từ tuần thai thứ 14 (hoặc duy trì điều trị ARV nếu bà mẹ đủ chỉ định điều trị trước đó) kéo dài cho đến lúc sanh, điều trị ARV cho trẻ trong 1 tháng sau sinh, không cho trẻ bú sữa mẹ… Như vậy, đối tượng chăm sóc của phương pháp này bao gồm cả bà mẹ mang thai và em bé với sự tham gia của chuyên khoa Phụ Sản và chuyên khoa Nhi.

Ngành y tế nước ta triển khai xét nghiệm sàng lọc HIV rộng rãi cho tất cả các bà mẹ đến khám thai lần đầu ở cơ sở y tế, đồng thời tư vấn và chuyển gửi đến điều trị lây truyền mẹ con nếu phát hiện bà mẹ dương tính với HIV. Bằng hành động thiết thực này, ngành y tế mong đợi không có ca nhiễm mới ở trẻ.

Như vậy, bức tranh dự phòng với rất nhiều mảnh ghép như trên đã cho thấy đầy đủ các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV cho bản thân cũng như giảm khả năng lây nhiễm sang người khác.

 

Tác giả: Bác sỹ Nguyễn Tấn Thủ