HIV/AIDS

02:13 31/08/2018

HIV là virus suy giảm miễn dịch ở người gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (AIDS). Virus HIV được lây truyền qua các loại dịch cơ thể (ví dụ: tinh dịch và máu), qua quan hệ tình dục không an toàn, dùng chung bơm kim tiêm, tiếp nhận máu hoặc các chế phẩm từ máu có nhiễm HIV và truyền từ mẹ sang con trong giai đoạn mang thai, sinh con và cho con bú.

Khi xâm nhập vào cơ thể, HIV tấn công vào hệ thống miễn dịch của người, đặc biệt là tế bào CD4 (tế bào T). Nếu người mắc HIV không được điều trị, số lượng tế bào CD4 trong cơ thể sẽ giảm đi do bị virus HIV tiêu diệt, hệ thống miễn dịch của họ bị tổn hại và mất dần khả năng chống lại nhiễm trùng và bệnh tật. Các mầm bệnh sẽ lợi dụng khi hệ thống miễn dịch suy yếu để phát triển và gây ảnh hưởng lên sức khỏe của người bệnh đưa họ tiến dần đến giai đoạn suy giảm miễn dịch AIDS và thậm chí là tử vong. 

HIV không lây lan qua những tiếp xúc thông thường như chạm, hôn, hắt hơi, ho, dùng chung thìa dĩa, cốc, bát đĩa với những người nhiễm loại virus này. HIV không có nguy cơ lây truyền ở bể bơi, phòng tắm, vòi nước uống hay qua vết côn trùng cắn.

 

Các nhà khoa học đã xác định được HIV có nguồn gốc từ một loài tinh tinh sống ở Trung Phi. Họ cho rằng biến thể của virus gây suy giảm miễn dịch ở tinh tinh (SIV) đã được truyền cho người và phát triển thành virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) khi con người săn bắt tinh tinh để ăn thịt và tiếp xúc với máu của chúng. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, có thể loại virus này đã biến thể từ chủng ở tinh tinh sang ở người vào cuối thế kỉ 19. Hàng thập kỉ sau, loại virus này mới từ từ lan rộng ra khắp châu Phi và toàn thế giới. HIV đã xuất hiện ở Mỹ ít nhất từ giữa những năm 1970.

Thông thường, khi một người nhiễm HIV không được điều trị, họ sẽ trải qua ba giai đoạn bệnh. Dù ở giai đoạn nào thì thuốc kháng virus (ARV) cũng có tác dụng nếu được dùng đúng cách và đều đặn hàng ngày. Việc điều trị có thể giúp làm chậm hoặc ngăn ngừa quá trình tiến triển sang giai đoạn tiếp theo của bệnh và cũng giúp giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm HIV sang người khác.

Giai đoạn 1: Giai đoạn nhiễm retrovirus cấp

Trong khoảng từ 2-4 tuần sau khi nhiễm HIV, người nhiễm (khoảng 50%) có thể có những triệu chứng như khi bị cảm cúm và những triệu chứng này có thể kéo dài khoảng vài tuần; trong khi đó, một số người sẽ không có triệu chứng gì. Do triệu chứng ở giai đoạn này có thể không xuất hiện hoặc xuất hiện rất mơ hồ nên hầu hết người bệnh không biết mình đã nhiễm HIV.

Để biết được liệu một người có nhiễm HIV hay không, chúng ta cần làm xét nghiệm, đây được xem là biện pháp duy nhất để xác định và chẩn đoán nhiễm HIV.

Nếu bạn nghĩ mình đã bị phơi nhiễm HIV qua hoạt động tình dục hay sử dụng ma túy thì hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và chẩn đoán.

Giai đoạn 2: Giai đoạn HIV không triệu chứng

Trong giai đoạn này, người nhiễm có thể không gặp bất cứ triệu chứng gì hoặc cũng không bị ốm yếu trong suốt giai đoạn này.

Đối với người không dùng thuốc điều trị HIV (thuốc ARV), giai đoạn này có thể kéo dài đến 10 năm hoặc lâu hơn nhưng cũng có thể ngắn hơn với một số người. Nếu được điều trị ARV đúng cách, giai đoạn này có thể được kéo dài đến vài chục năm. Đến cuối giai đoạn này, lượng tế bào CD4 giảm nghiêm trọng, các triệu chứng bệnh bắt đầu xuất hiện và bệnh tiến triển sang giai đoạn 3. 

Giai đoạn 3: Giai đoạn HIV có triệu chứng (Giai đoạn HIV tiến triển)

Giai đoạn này bệnh nhân bắt đầu xuất hiện những bệnh cơ hội, và tiến dần đến giai đoạn AIDS - giai đoạn nặng nhất khi nhiễm HIV. Do hệ thống miễn dịch ở bệnh nhân AIDS bị tàn phá nặng nề khiến họ mắc các bệnh nghiêm trọng. Những triệu chứng thường gặp ở AIDS bao gồm cảm giác ớn lạnh, sốt, toát mồ hôi, sưng hạch bạch huyết, mệt mỏi, sút cân. Nếu không được điều trị, bệnh nhân có thể tử vong trong vài tháng đến vài năm. Một người được coi là đã chuyển sang giai đoạn AIDS khi số lượng tế bào CD4 của họ giảm xuống dưới 200 tế bào/mm hoặc có một số bệnh cơ hội nhất định. Ở giai đoạn AIDS, bệnh nhân có tải lượng virus cao cũng như nguy cơ lây nhiễm cho người khác lớn.

Giai đoạn 4: Giai đoạn nhiễm HIV tiến triển thành AIDS

Khi hệ miễn dịch bị phá hủy nghiêm trọng, sức đề kháng của cơ thể hầu như không còn thì các triệu chứng nhiễm trùng cơ hội và ung thư xuất hiện ngày càng nhiều và nặng hơn. Khi đó, người nhiễm được coi là chuyển sang giai đoạn AIDS.
Người nhiễm HIV có thể được chẩn đoán ở giai đoạn AIDS theo số lượng và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng mà họ mắc phải, hoặc theo số lượng tế bào CD4 có trong máu.

Xét nghiệm là cách duy nhất để biết chắc chắn rằng bạn có mắc HIV hay không. Việc biết được tình trạng sức khỏe của mình rất quan trọng khi đưa ra những quyết định đúng đắn để phòng ngừa lây nhiễm HIV.

Một số người có thể có những triệu chứng giống cảm cúm trong vòng 2-4 tuần sau khi nhiễm HIV (giai đoạn 1 của HIV). Nhưng một số người lại không có bất kì triệu chứng gì. Những triệu chứng giống bệnh cúm bao gồm sốt, ớn lạnh, phát ban, đổ mồ hôi vào ban đêm, đau mỏi cơ, đau họng, mệt mỏi, sưng hạch, nhiệt miệng. 

Tuy nhiên, xuất hiện những triệu chứng trên không đồng nghĩa với việc bạn đã mắc HIV vì chúng có thể xuất hiện ở những căn bệnh khác.

Bạn cũng có thể sử dụng bộ xét nghiệm tại nhà, có thể mua ở các hiệu thuốc hoặc đặt hàng qua mạng. Ngoài ra, bạn cần biết về kết quả xét nghiệm của mình để có thể trao đổi với bác sỹ về phác đồ điều trị nếu như bạn dương tính với HIV và về các phương pháp phòng ngừa nếu bạn chưa mắc.

Hiện chưa có phương thức chữa trị dứt điểm HIV. Tuy nhiên chúng ta có thể kiểm soát HIV với sự hỗ trợ y tế đúng cách. Phương pháp điều trị HIV được gọi là điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV). Nếu được dùng đều đặn hàng ngày và đúng cách, loại thuốc này có thể giúp kéo dài đáng kể tuổi thọ của người có HIV, giúp họ sống khỏe mạnh và giảm nguy cơ lây cho người khác.

Trước khi thuốc ARV được sáng chế vào giữa những năm 1990, một người mắc HIV có thể tiến triển thành AIDS chỉ trong vài năm. Ngày nay, tuổi thọ của một người được chuẩn đoán nhiễm HIV và được điều trị sớm có thể kéo dài gần bằng với một người không mắc HIV.

Kỳ thị người nhiễm HIV là thái độ và niềm tin tiêu cực về những người nhiễm HIV. Đó là định kiến ​​đi kèm với việc gắn nhãn một cá nhân là một phần của nhóm được cho là không thể chấp nhận được về mặt xã hội.

Đây là vài ví dụ:

  • Tin rằng chỉ một số nhóm người nhất định có thể bị nhiễm HIV
  • Đưa ra những đánh giá đạo đức về những người thực hiện các bước để ngăn ngừa lây truyền HIV

  • Cảm thấy rằng mọi người đáng bị nhiễm HIV vì lựa chọn của họ

HIV stigma, kỳ thị người nhiễm HIV

 

Trong khi sự kỳ thị đề cập đến một thái độ hoặc niềm tin, phân biệt đối xử là những hành vi xuất phát từ những thái độ hoặc niềm tin đó. Phân biệt đối xử với người nhiễm HIV là hành động đối xử khác nhau giữa những người nhiễm HIV với những người không nhiễm HIV.

Đây là vài ví dụ:

  • Một chuyên gia chăm sóc sức khỏe từ chối cung cấp dịch vụ chăm sóc hoặc dịch vụ cho người nhiễm HIV

  • Từ chối tiếp xúc thông thường với người nhiễm HIV

  • Cách ly một người ra khỏi cộng đồng xã hội vì họ nhiễm HIV

HIV discrimination

 

Sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV ảnh hưởng đến cảm xúc và sức khỏe tinh thần của người nhiễm HIV. Những người nhiễm HIV thường nội tâm hóa sự kỳ thị mà họ trải qua và bắt đầu phát triển hình ảnh bản thân tiêu cực. Họ có thể sợ rằng họ sẽ bị phân biệt đối xử hoặc đánh giá tiêu cực nếu tình trạng HIV của họ bị tiết lộ.

Sự kỳ thị nội bộ hay sự tự kỳ thị xảy ra khi một người tiếp thu những ý tưởng và định kiến ​​tiêu cực về những người nhiễm HIV và bắt đầu áp dụng chúng cho chính họ. Sự kỳ thị người nhiễm HIV có thể dẫn đến cảm giác xấu hổ, sợ tiết lộ, cô lập và tuyệt vọng. Những cảm giác này có thể khiến mọi người không được xét nghiệm và điều trị HIV.

Sự kỳ thị HIV bắt nguồn từ nỗi sợ hãi về HIV. Hình ảnh HIV xuất hiện lần đầu tiên vào đầu những năm 1980, nhưng đến nay vẫn còn có những quan niệm sai lầm về cách lây truyền HIV và việc sống chung với HIV.

Việc thiếu thông tin và nhận thức kết hợp với quan niệm lỗi thời khiến mọi người sợ nhiễm HIV. Ngoài ra, nhiều người nghĩ rằng HIV là một căn bệnh mà chỉ một số nhóm nhất định mắc phải. Điều này dẫn đến những đánh giá tiêu cực về những người đang sống chung với HIV.

Nói về HIV!

Nói chuyện cởi mở về HIV có thể giúp bình thường hóa căn bệnh. Điều này cũng cung cấp cơ hội để sửa chữa những quan niệm sai lầm và giúp những người khác tìm hiểu thêm về HIV. Nhưng hãy chú ý đến cách bạn nói về HIV và những người nhiễm HIV. 

Hãy hành động!

Tất cả chúng ta có thể giúp chấm dứt sự kỳ thị HIV thông qua lời nói và hành động của chúng ta trong cuộc sống hàng ngày. 

Kết quả hình ảnh cho stop HIV stigma and discrimination

 

 

Nguồn: CDC