Mối liên hệ giữa sang chấn tâm lý thời thơ ấu và nghiện rượu, ma túy khi trưởng thành

04:03 05/09/2018

Ngày càng có nhiều nghiên cứu giúp chúng ta có cái nhìn sâu hơn về nghiện. Dù vậy, những câu trả lời, đặc biệt là cho các vấn đề liên quan đến sự hình thành tình trạng nghiện, vẫn đang được tìm kiếm. Các nghiên cứu đang cố tìm ra nguyên nhân dẫn đến sự hình thành tình trạng nghiện từ nhiều góc nhìn khác nhau với hy vọng có thể tìm ra mối liên hệ giữa căn bệnh này với hoàn cảnh về xã hội, trải nghiệm và di truyền. Vì hoàn cảnh và những trải nghiệm của một đứa trẻ định hình nên sự phát triển về cả thể chất lẫn tinh thần của chúng nên các nhà nghiên cứu đã bắt đầu xem xét đến vai trò của những trải nghiệm thời ấu thơ đến nghiện ma túy khi trưởng thành.

Mối liên hệ giữa những sang chấn tâm lý thời thơ ấu, và nguy cơ mắc nghiện sẽ được hiểu rõ hơn nếu như bạn hiểu được cơ chế mà những trải nghiệm trong quá khứ ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ. Mặc dù không ai có thể phủ nhận được tầm quan trọng của yếu tố sinh học và di truyền trong sự phát triển não bộ, tuy nhiên, não bộ cũng có khả năng phản hồi và thích ứng với các kích thích môi trường. Trong quá trình phát triển thời niên thiếu, não tạo ra, thúc đẩy và đôi khi là đào thải những nối kết thần kinh. Những nối kết này bao gồm những mạng lưới dây thần kinh có rất nhiều chức năng trong não bộ. Những trải nghiệm ảnh hưởng tới sự phát triển của não bộ tương tự như việc một số xinap hoặc kết nối thần kinh nhất định sẽ được phát triển, trở nên bền chắc hơn hoặc bị phá bỏ khi chúng ta tập đi, tập nói.

Tóm lại, những trải nghiệm cá nhân có ảnh hưởng đáng kể (cả tích cực lẫn tiêu cực) đến sự phát triển và cấu trúc khi trưởng thành của não bộ. Trải nghiệm có thể đem lại những lợi ích trong quá trình phát triển của não bộ nhưng cũng có thể gây trở ngại hoặc khiến não bộ thay đổi theo hướng tiêu cực. Đặc biệt, những trải nghiệm tiêu cực do bị bạo hành khi còn nhỏ được cho là nguyên nhân gây ra những rối loạn trong nhận thức, hành vi, ứng xử xã hội sau này. Một nghiên cứu cho thấy việc bị ngược đãi, bạo hành trong thời ấu thơ gây ra những đợt căng thẳng (stress) với mức độ và cường độ cao, cản trở sự phát triển của não bộ. Căng thẳng (stress) gây ra những ảnh hưởng có thể nhìn thấy được khi chụp não. Đây cũng chính là lý do vì sao những nạn nhân chịu nhiều sang chấn thời ấu thơ dễ mắc các rối loạn về lạm dụng chất.

Dù đã có những nghiên cứu đi sâu về mối quan hệ giữa sang chấn tâm lý thời thơ ấu với nghiện và sự thay đổi cấu trúc não bộ do stress, tuy nhiên cũng có những lời giải thích đơn giản hơn được đưa ra. Trong một nghiên cứu về Những trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu, được thực hiện trên 17000 bệnh nhân của Kaiser Permanente, rất nhiều những trải nghiệm gây stress thời thơ ấu có liên đến một số dạng rối loạn lạm dụng chất và rối loạn kiểm soát bốc đồng. Nhiều người đánh đồng những sang chấn với bạo hành, tuy nhiên nguyên nhân gây ra stress và những sang chấn trong quá khứ dẫn đến nguy cơ mắc nghiện cao hơn lại bao gồm cả việc bị bỏ rơi, mất cha mẹ, phải chứng kiến bạo lực gia đình hoặc những dạng bạo hành thể chất khác hay có một người thân trong gia đình mắc rối loạn tâm thần.

Người phải trải qua những tổn thương tâm lý trên khi còn nhỏ thường có xu hướng bị lệ thuộc vào rượu và ma túy. Họ cũng có nguy cơ mắc những chứng nghiện mang tính hành vi như ăn uống vô độ, nghiện tình dục.

Trong hầu hết các trường hợp thì những trải nghiệm gây ra tổn thương lớn cho trẻ nhỏ lại có ít tác động hơn đến người trưởng thành. Có một số lý do cơ bản giải thích tại sao những sự kiện này lại có những ảnh hưởng lớn và lâu dài đến trẻ nhỏ. Khả năng thích ứng với hoàn cảnh của trẻ không cao như người lớn, trẻ không thể hiểu hết được những trải nghiệm này khiến cho ảnh hưởng của những tổn thương trở nên dai dẳng hơn. Thêm vào đó, trẻ nhỏ thường dựa vào, tìm sự hỗ trợ của người lớn khi gặp khó khăn. Nhưng khi những người mà trẻ yêu thương lại chính là người bạo hành, bỏ rơi, gây ra những tổn thương thì sự trợ giúp, ủng hộ của gia đình lại không giúp ích gì. Trong nhiều trường hợp, những người có tuổi thơ bị bạo hành tìm đến rượu và ma túy như một cách để giảm nhẹ ảnh hưởng từ những tổn thương họ gặp phải khi còn quá nhỏ. Mặt khác, nhiều trường hợp lạm dụng chất khi trưởng thành còn do bắt chước một người thân yêu trong gia đình thực hiện hành vi này trong thời thơ ấu.

Khoảng 2/3 số người nghiện đều đã từng trải qua một số loại tổn thương về mặt thể chất hay tình dục thời thơ ấu.

Với khoảng 2/3 số người nghiện đều đã từng trải qua một số loại tổn thương về mặt thể chất hay tình dục thời thơ ấu thì việc hiểu được cách những sang chấn khi còn nhỏ làm tăng nguy cơ mắc nghiện là cực kỳ quan trọng. Việc nắm được những cá nhân từng gặp sang chấn thời ấu thơ, biết được họ có nguy cơ mắc nghiện cao hơn có thể giúp đưa ra những biện pháp phòng ngừa. Thêm vào đó, điều này còn khiến việc điều trị nghiện trở nên có hiệu quả hơn với những đối tượng này. Chúng ta có thể tổ chức những buổi điều trị nhóm dành cho người từng bị bạo hành khi còn nhỏ hoặc đơn giản là đảm bảo được việc mỗi cá nhân đều được tư vấn tâm lý để có thể chấp nhận quá khứ của mình.

Nhiều người lạm dụng rượu, ma túy như một giải pháp cho những nỗi đau trong quá khứ, tuy nhiên trở nên nghiện sẽ chỉ hủy hoại cả hiện tại và tương lai của họ mà thôi. Tất cả những người đang lệ thuộc vào rượu, ma túy, hoặc có những hành vi nguy cơ khác nên tìm cho mình một phương pháp điều trị ngay lập tức.

 

Nguồn: Dualdiagnosis

  • Bài viết liên quan