Nghiện

02:18 06/09/2018

Nghiện là một bệnh mãn tính của não bộ khiến một người phải tìm kiếm và sử dụng ma túy một cách bắt buộc, bất chấp hậu quả. Lần đầu một người sử dụng ma túy thường là do lựa chọn của chính họ. Tuy nhiên, việc sử dụng lặp đi lặp lại gây ra thay đổi trong não bộ khiến họ tìm, sử dụng ma túy nhiều lần, bất chấp các tác động tiêu cực như ăn cắp, mất bạn bè, gặp vấn đề gia đình, hay các vấn đề về thể chất hoặc tâm thần khác do sử dụng ma túy, đây được gọi là tình trạng nghiện.

Mặc dù chúng ta biết điều gì xảy ra với não của một người nghiện nhưng chúng ta không thể đoán biết được một người cần sử dụng ma túy bao nhiêu lần để trở nên nghiện. Sự kết hợp của một loạt các yếu tố liên quan tới di truyền (gen), môi trường, và phát triển làm tăng nguy cơ một người sử dụng ma túy mà có thể dẫn tới nghiện:

  • Nơi ở và gia đình. Cha mẹ hoặc thành viên lớn hơn trong gia đình lạm dụng rượu hoặc ma túy, hoặc có hành vi vi phạm pháp luật, có thể làm tăng nguy cơ thanh thiếu niên có các vấn đề sử dụng ma túy.
  • Trường học và bạn bè. Việc bạn bè lạm dụng ma túy có thể dẫn đến việc thanh thiếu niên thử dùng ma túy. Kết quả học tập kém hay thiếu các kỹ năng xã hội cũng có thể làm tăng nguy cơ sử dụng ma túy.
  • Sử dụng khi còn trẻ. Mặc dù việc sử dụng ma túy ở bất cứ lứa tuổi nào cũng có thể dẫn tới nghiện, nghiên cứu cho thấy một người bắt đầu sử dụng ma túy càng sớm, họ càng có nguy cơ tiến triển thành lạm dụng hoặc nghiện ma túy. Điều này có thể phản ánh hệ quả mà ma túy gây ra cho não bộ trong giai đoạn phát triển. Đây cũng có thể là kết quả của các yếu tố sinh học và xã hội, như gen di truyền, bệnh lý tâm thần, mối quan hệ gia đình không ổn định, và lạm dụng thể chất hoặc tình dục. 
  • Phương thức sử dụng. Hút hay tiêm chích một loại ma túy vào tĩnh mạch (ven) làm tăng nguy cơ nghiện. Cả hút và tiêm chích đều đưa ma túy lên não trong vài giây, tạo ra cảm giác “phê” tức thời. Tuy nhiên, cảm giác “phê” mãnh liệt này có thể biến mất trong vài phút, đưa họ trở lại trạng thái trước đó. Các nhà khoa học tin rằng chính cảm giác “hụt hẫng” này khiến một người lặp lại việc sử dụng đế cố gắng có được lại cảm giác phê sướng mạnh mẽ đó.   

Câu trả lời là có, các trường hợp tử vong do dùng ma túy quá liều đều tăng lên hằng năm trong một thập kỷ qua. Chỉ trong năm 2015, hơn 52,400 người đã chết do quá liều ma túy. Hơn 3/5 các ca tử vong do ma túy có liên quan đến các loại thuốc dạng opioid như thuốc giảm đau, heroin, opioid nhân tạo như fentanyl. Có hơn 4200 ca tử vòng do dùng thuốc quá liều năm 2015. Nam thanh niên có nguy cơ tử vong do quá liều cao gấp hơn 2 lần so với nữ giới.

Bên cạnh đó, tử vong có thể do các tác dụng lâu dài của ma túy. Ví dụ: hút thuốc lá có thể gây ra ung thư dẫn tới tử vong.

Có, nghiện ma túy có thể được điều trị, tuy nhiên, hiện nay chưa có cách để “chữa” nghiện. Nghiện thường là một bệnh kéo dài (đôi khi được gọi là mãn tính). Cũng giống như các bệnh mãn tính khác, như tiểu đường, người nghiện học cách kiểm soát tình trạng bệnh lý của mình.

Phương pháp điều trị sẽ được điều chỉnh với mỗi người, tùy thuộc vào loại ma túy họ sử dụng và tình trạng cụ thể của họ. Thông thường, có 2 phương pháp điều trị nghiện:

  • Thay đổi hành vi, trong đó người bệnh học cách thay đổi hành vi của mình
  • Điều trị bằng thuốc, có thể giúp điều trị nghiện một số ma túy, như thuốc lá, rượu, heroin hoặc các chất dạng thuốc phiện

Giống như tiểu đường hay hen suyễn, nghiện ma túy thường là một rối loạn kéo dài. Phần lớn những người nghiện ma túy cần điều trị lâu dài, và trong nhiều trường hợp, điều trị nhiều lần – cũng giống như một người mắc bệnh hen suyễn cần thường xuyên theo dõi những thay đổi trong lượng thuốc và các bài tập. Điểm mấu chốt là ngay cả khi một người tái sử dụng và tái lạm dụng ma túy, họ cũng không nên bỏ cuộc. Thay vào đó, họ nên quay lại điều trị hoặc thay đổi phương pháp điều trị hiện thời. Trên thực tế, việc trì hoãn khi điều trị rất dễ xảy ra. Ngay cả những người mắc bệnh tiểu đường cũng có thể quên không ăn kiêng hay quên tiêm insulin, và các triệu chứng tiểu đường có thể tái xuất – đó chính là dấu hiệu để tập trung hơn vào việc điều trị, chứ không phải để xem điều trị đã thất bại.

Phần lớn mọi người tham gia điều trị do bị bắt buộc hoặc có người thân muốn họ điều trị. Theo các nghiên cứu khoa học, việc điều trị đều có tác dụng dù người nghiện có tự nguyện hay không.

Một số câu hỏi có thể được sử dụng để đánh giá xem liệu một người có vấn đề sử dụng ma túy hay không. Những câu hỏi này không đảm bảo là người đó đang mắc nghiện, nhưng mỗi câu trả lời “có” đều cho thấy nguy cơ mắc nghiện đang lớn dần, và có thể cần sự tham vấn với một bác sỹ điều trị nghiện. Những câu hỏi này gồm:

  1. Bạn đã bao giờ lái xe hoặc ngồi trên xe người khác đèo mà bạn/họ có uống rượu hoặc sử dụng ma túy trước đó?
  2. Bạn có bao giờ uống rượu hoặc sử dụng ma túy để thư giãn, cảm thấy tốt hơn về bản thân, hay để “hòa nhập”, giống với bạn bè?
  3. Bạn có bao giờ uống rượu hoặc sử dụng ma túy khi ở một mình?
  4. Bạn có bao giờ quên những việc đã diễn ra khi uống rượu hoặc sử dụng ma túy?
  5. Gia đình hay bạn bè có bao giờ khuyên bạn giảm việc uống rượu và sử dụng ma túy chưa?
  6. Bạn có bao giờ gặp rắc rối khi uống rượu hay sử dụng ma túy?

 

Nguồn: National Institute on Drug Abuse (NIDA)