Trầm cảm và nghiện
10:12 08/07/2018
Trong chúng ta, ai cũng có những “ngày u ám” dù nguyên do bắt nguồn từ những vấn đề gia đình, công việc hay các mối quan hệ. Với hầu hết mọi người thì những khoảng thời gian này rồi cũng sẽ qua đi hoặc sẽ được xoa dịu bớt bởi những hoạt động khiến ta hạnh phúc. Nhưng đối với người mắc trầm cảm thì những giai đoạn khủng hoảng lại không qua đi một cách dễ dàng đến vậy. Trầm cảm bệnh lý là một rối loạn tâm thần nghiêm trọng gây ra những hậu quả nặng nề cho cả cá nhân người bệnh lẫn những người thân của họ.
Lạm dụng chất là một vấn đề rất phổ biến đối với những người đang phải chiến đấu với trầm cảm. Nhiều bệnh nhân trầm cảm thường uống rượu hoặc các loại ma túy với mong muốn cải thiện tâm trạng và làm “tê liệt” những nỗi đau tinh thần. Tuy nhiên, vì rượu là một chất gây ức chế thần kinh trung ương nên khi sử dụng, chất này có thể gây ra những triệu chứng trầm cảm như chán nản, buồn bã và tuyệt vọng. Kết quả là việc lạm dụng chất khiến trầm cảm trở nên trầm trọng hơn.
Một người vừa nghiện vừa trầm cảm được gọi là “mắc bệnh kép”. “Bệnh kép” có thể dùng để chỉ sự kết hợp giữa một loại rối loạn tâm thần (rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn lưỡng cực) và một loại nghiện (ma túy, rượu, tình dục, cờ bạc). Trầm cảm là loại bệnh thường gặp nhất trong những kết hợp này. Trên thực tế, có báo cáo cho rằng cứ 3 người trưởng thành thì có 1 người mắc các vấn đề về lạm dụng rượu và ma túy kèm theo trầm cảm.
Trầm cảm bệnh lý khiến người bệnh đối diện nguy cơ cao mắc các tai nạn thương tích, tự hoại và tự sát. Trầm cảm cũng gây ức chế hệ thống miễn dịch, làm cơ thể suy yếu, khiến bạn dễ mắc các bệnh lý về thể chất hay các bệnh mãn tính. Khi những bệnh nhân này sử dụng thêm rượu, các nguy cơ về sức khỏe thể chất và tâm thần ngày càng tăng cao. Việc chọn cho mình những phác đồ điều trị thích hợp có thể giúp bạn tránh được những hậu quả đáng tiếc của trầm cảm và lạm dụng chất, giúp bạn lấy lại một cuộc sống khỏe mạnh mà bạn xứng đáng có được.
Hầu hết mỗi người đều trải qua những giai đoạn buồn bã, đau khổ, cáu gắt hay tức giận; tuy nhiên có sự khác biệt giữa bệnh lý trầm cảm và những giai đoạn khủng hoảng đơn thuần. Theo “Hướng dẫn chuẩn đoán và thống kê các chứng rối loạn tâm thần” (phiên bản thứ 4 (DSM – IV)) thì trầm cảm bệnh lý phải kéo dài ít nhất 2 tuần và nó gây cản trở khả năng làm việc, ảnh hưởng đến các mối quan hệ và giao tiếp xã hội.
Những người mắc trầm cảm có thể gặp ít nhất 5 triệu chứng sau mỗi ngày:
- Cảm giác tuyệt vọng
- Lo âu
- Chán ăn/sút cân
- Thèm ăn/tăng cân
- Ngủ quá nhiều hoặc quá ít
- Dễ khóc
- Đau mỏi cơ thể
- Cảm giác không có năng lượng, uể oải
- Cảm giác như mình vô dụng
- Cáu gắt
- Khó tập trung vào các hoạt động thường ngày
- Mất hứng thú với các hoạt động hay sở thích trước đây
- Có ý định tự sát hoặc thực hiện hành vi tự sát
Trầm cảm thường được biểu hiện bởi cảm giác buồn bã, uể oải, thiếu sức sống và tuyệt vọng. Tuy nhiên, đối với một số người, đặc biệt là nam giới, trầm cảm còn được thể hiện qua sự cáu gắt, đố kị, tức giận. Biểu hiện của trầm cảm khác nhau ở mỗi người nhưng trầm cảm là một bệnh lý, hoàn toàn khác với các trạng thái cảm xúc thông thường. Cảm giác đau buồn, tiếc thương sau một sự mất mát lớn ví dụ như mất đi một người thân yêu hay mất nhà, sẽ không được coi là trầm cả bệnh lý nếu những cảm xúc này không kéo dài liên tiếp từ 2 tháng trở lên.
Khác với trầm cảm bệnh lý, cảm xúc buồn bã không cản trở khả năng làm việc hay tham gia các hoạt động thường ngày của bạn. Khi bạn buồn vì bị thôi việc hay mất đi một mối quan hệ, bạn có thể thấy sự liên kết giữa những sự kiện này với cảm xúc của mình, và bạn biết rằng những cảm xúc tiêu cực đó rồi cũng sẽ qua đi khi các vấn đề được giải quyết. Nhưng khi mắc trầm cảm bệnh lý, những hoạt động thường ngày cũng trở nên quá sức đối với bạn và bạn thấy dường như mình bị kẹt trong trạng thái đó mãi mãi. Bạn cảm thấy chỉ có uống thật nhiều rượu, dùng ma túy, chơi cờ bạc hay quan hệ tình dục không an toàn mới có thể giúp bạn làm dịu những nỗi đau và cảm giác trống trải quá sức chịu đựng mà bạn cảm thấy khi mắc trầm cảm.
Trầm cảm thường dẫn đến sử dụng rượu và ma túy. Điều này rất dễ hiểu vì một số người ở trong trạng thái trầm cảm thường uống rượu hay sử dụng ma túy để trốn tránh những cảm xúc tiêu cực của mình. Tuy nhiên, những người mắc trầm cảm bệnh lý sẽ kẹt mãi ở trạng thái đó nếu không được điều trị. Và nếu những bệnh nhân này vẫn tiếp tục sử dụng rượu, ma túy thường xuyên như một cách để “tự xoa dịu” căn bệnh trầm cảm thì họ sẽ sớm mắc nghiện.
Một số dấu hiệu của nghiện:
- Nhờn ma túy. Cơ thể của bạn trở nên thích ứng với những tác dụng của ma túy và cần một lượng ma túy lớn hơn để đạt được cảm giác như khi mới sử dụng.
- Triệu chứng cai. Khi giảm dùng ma túy, cơ thể bạn sẽ trải qua các triệu chứng như bồn chồn, buồn nôn, run rẩy, toát mồ hôi lạnh và lo âu.
- Hối hận. Bạn thấy tội lỗi hoặc buồn sau khi dùng ma túy dù bạn dùng ma túy chỉ để cảm thấy khá hơn.
- Tái nghiện. Cứ mỗi khi bạn cố gắng ngưng sử dụng ma túy thì sự thèm nhớ và triệu chứng cai lại khiến bạn quay trở lại thói quen cũ.
Trên thực tế, đối với một số bệnh nhân trầm cảm hay mắc các rối loạn sử dụng chất thì việc cai ma túy hoặc rượu có thể làm tình trạng trầm cảm trở nên trầm trọng hơn. Ví dụ nếu bạn đã sử dụng rượu hàng năm trời để tránh né những triệu chứng trầm cảm thì bạn có thể sẽ thấy rất tồi tệ khi tỉnh rượu. Đây chính là lý do bạn cần nhân được sự điều trị tích hợp cho cả trầm cảm và nghiện cùng một lúc.
Nếu không điều trị được căn bệnh trầm cảm, nguyên nhân dẫn đến nghiện hoặc ngược lại, nếu không điều trị nghiện, nguyên nhân khiến trầm cảm trầm trọng hơn thì bạn sẽ sớm tái nghiện hoặc rơi vào trạng thái trầm cảm khi vừa kết thúc quá trình điều trị. Trong nhiều trường hợp, những người mắc trầm cảm và lạm dụng chất từ bỏ các quá trình điều trị truyền thống vì cảm giác khi tỉnh táo (không sử dụng rượu hoặc ma túy) quá sức chịu đựng khi họ không nhận được những liệu pháp hỗ trợ thích hợp.
Điều gây ra sự khó khăn trong việc điều trị một bệnh nhân mắc “bệnh kép” là do một bệnh có thể khiến các triệu chứng của bệnh còn lại trở nên nghiêm trọng hơn. Ví dụ như việc bạn uống nhiều rượu không giúp giảm nhẹ trầm cảm mà trên thực tế nó chỉ khiến bạn càng rơi sâu vào tình trạng trầm cảm. Và ngược lại, nếu một ai đó nghiện rượu thì trầm cảm sẽ khiến họ mất đi ý chí để từ bỏ chứng nghiện rượu của mình.
Điều trị một bệnh nhân “mắc bệnh kép” là một quá trình khá phức tạp. Không thể áp dụng một quá trình điều trị đơn lẻ cho những bệnh nhân mắc cả nghiện và trầm cảm. Chỉ những phác đồ điều trị có thể xử lý cả những vấn dề tâm lý và những vấn đề về nghiện rượu hay ma túy mới có thể cung cấp, hỗ trợ bệnh nhân với các phương pháp cắt cơn thải độc, tư vấn, và kế hoạch sau điều trị. Phác đồ điều trị cho cả hai bệnh bao gồm các buổi tư vấn. sự hỗ trợ từ bạn bè đồng đẳng, giáo dục và tránh tái phát cho cả hai bệnh trầm cảm và lạm dụng chất. Theo Cục Quản lý Nghiện chất và Sức khỏe Tâm thần của Hoa Kỳ (SAMHSA), một phác đồ điều trị tích hợp thường nhắm đến những mục tiêu sau:
- Giúp bệnh nhân hiểu được bản chất của trầm cảm
- Giúp bệnh nhân hiểu rằng họ có thể thoát khỏi trầm cảm và nghiện
- Khích lệ bệnh nhân tạo nên những thay đổi lớn trong cuộc đời của họ
- Dạy cho bệnh nhân những kĩ năng để kiểm soát nhũng suy nghĩ tiêu cực
- Giúp bệnh nhân xác định và thay đổi những hành vi nghiện
Trị liệu bằng thuốc là một yếu tố chủ chốt trong phác đồ điều trị cho những bệnh nhân mắc “bệnh kép” đang phải đối mặt với trầm cảm. Các loại thuốc chống trầm cảm giúp giảm nhẹ các triệu chứng, cho bệnh nhân một cuộc sống ổn định hơn. Tìm được một loại thuốc phù hợp có thể sẽ mất thời gian và đòi hỏi sự kiên nhẫn nhưng khi dùng đúng loại, đúng cách, thuốc sẽ hỗ trợ rất nhiều trong quá trình điều trị.
Những sự hỗ trợ, khích lệ, động viên cũng rất quan trọng trong “cuộc chiến” với trầm cảm và lạm dụng chất. Trầm cảm bệnh lý có thể sẽ rút cạn năng lượng của bạn, khiến bạn cảm thấy như quá trình cai nghiện thật vô vọng. Tư vấn cá nhân, sự hỗ trợ từ đồng đẳng và gia đình sẽ tiếp cho bạn thêm sức mạnh để tiếp tục hành trình hồi phục đầy gian nan.
Nguồn: dualdiagnosis.org
- Bài viết liên quan
-
Tôi có nên đi xét nghiệm không?