Viêm gan B
02:34 06/09/2018
Viêm gan siêu vi B là tình trạng tổn thương gan cấp hay mạn tính do virus viêm gan siêu vi B (Hepatitis B Virus – HBV) gây ra. HBV có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng lên sức khoẻ, có thể gây viêm gan, xơ gan, ung thư gan và tử vong. Viêm gan siêu vi B cũng được xếp vào loại bệnh truyền nhiễm, lan rộng khắp nơi trên thế giới, và có mức độ nguy hiểm vượt xa so với bệnh viêm gan A. Hiện trên thế giới có khoảng 240 triệu người đang mắc bệnh viêm gan siêu vi B mạn tính, và ước tính trong số đó có chừng 600 ngàn người sẽ chết vì bệnh này mỗi năm (1, 2).
Viêm gan siêu vi B là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến xơ gan và ung thư gan. Có khoảng 5% - 10% số người nhiễm siêu vi B có nguy cơ sẽ phát triển thành viêm gan mạn tính. Phụ nữ trong thời kỳ sinh nở bị nhiễm siêu vi B có thể sẽ lây bệnh sang cho con một cách dễ dàng. Từ đó, chúng ta có thể dễ dàng hiểu được tầm quan trọng của chủ trương chủng ngừa viêm gan siêu vi B cho trẻ sơ sinh hiện nay.
Viêm gan siêu vi B là một trong những nguyên nhân chính gây ra viêm gan cấp tính (acute hepatitis) và ung thư gan (liver cancer). Tỷ lệ mắc bệnh thường cao hơn ở các nước nghèo hoặc các nước đang phát triển, và giảm thấp ở các nước giàu có. Theo như các số liệu thống kê hiện nay thì các nước như Hoa Kỳ, Canada, Australia, New Zealand, và một số nước châu Âu như Pháp, Thụy Sĩ, Đức ... là những nước có tỷ lệ bệnh viêm gan siêu vi B thấp nhất, chỉ từ 0,1 cho đến 2%. Ngược lại, các nước châu Á nói chung được xem là có tỷ lệ mắc bệnh này khá cao.
Tỷ lệ nhiễm viêm gan B cao nhất ở khu vực Tây Thái Bình Dương và khu vực châu Phi với 6,2% và 6,1% người trưởng thành bị nhiễm bệnh. Tại Khu vực Đông Địa Trung Hải, Khu vực Đông Nam Á và Khu vực Châu Âu , ước tính lần lượt là 3,3%, 2,0% và 1,6% dân số bị nhiễm bệnh. Và tại Khu vực Châu Mỹ là 0,7% dân số bị nhiễm bệnh (3).
Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B cao trong quần thể dân cư nói chung và chịu hậu quả nặng nề do nhiễm virut viêm gan B gây nên. Theo kết quả mô hình ước tính gánh nặng bệnh tật do virut viêm gan B và C được Bộ Y Tế và Tổ chức Y tế Thế giới thực hiện năm 2017, cả nước ước tính có khoảng 7,8 triệu người nhiễm virut viêm gan B mãn tính và khoảng gần 1 triệu người nhiễm virut viêm gan C mãn tính. Đây là nguyên nhân dẫn đến khoảng gần 80,000 trường hợp xơ gan, ung thư biểu mô tế bào gan, khoảng 40,000 trường hợp tử vong hàng năm và có xu hướng tiếp tục gia tăng.
Ung thư gan là một trong các loại ung thư thường gặp và gây tử vong cao nhất Việt Nam. Năm 2013, có khoảng 31.000 ca tử vong do ung thư gan tại Việt nam (4). Ung thư gan là ung thư thường gặp nhất ở nam giới và thường gặp thứ 3 ở nữ giới (5).
Tại Việt nam, người mắc viêm gan B mạn tính chủ yếu do lây truyền từ mẹ sang con
Điều tra ước tính tỷ lệ nhiễm virut viêm gan B mãn tính trong nhóm người trưởng thành tại Việt Nam được thực hiện với cỡ mẫu 25,649 người trong năm 2018-2019, cho kết quả tỷ lệ anti-HBC dương tính là 55,1% và tỷ lệ HBsAG dương tính là 9,4%, trong đó cao nhất tại khu vực Nam Trung Bộ (11,6%) và tiếp theo là khu vực Tây Nguyên, Tây Bắc (11,1%).
==========================================
Phần chú thích:
1 Lavanchy D. 2008. Chronic viral hepatitis as a public health issue in the world. Best Pract Res Clin Gastroenterol; 22(6):991-1008.
2 WHO. 2015. Hepatitis fact sheet
3 WHO. 2019. Hepatitis B
4 Global Burden of Disease, 2013
5 Globalcan, 2012
Virut viêm gan B (HBV) có thể lây truyền khi tiếp xúc với máu, dịch tiết của cơ thể người bị nhiễm HBV. Sự tập trung cao lượng virut HBV được tìm thấy trong máu, tinh dịch, dịch tiết âm đạo của người bị nhiễm. Một điểm cần lưu ý là vi rút viêm gan B có thể tồn tại ngoài cơ thể đến 7 ngày, trong khi vi rút HIV chỉ tồn tại vài giờ ngoài cơ thể. Viêm gan B lây nhiễm cao gấp 50–100 lần so với HIV.
HBV lây nhiễm theo 3 đường:
- Lây qua đường máu: Viêm gan B có thể lây qua tiếp xúc trực tiếp với máu của người nhiễm vi rút. Ví dụ:
-
Tiếp xúc trực tiếp giữa các vết thương
-
Dùng chung dao cạo hoặc bằng chải đánh răng, bơm kim tiêm đã có máu nhiễm HBV
-
Tái sử dụng bơm kim tiêm hoặc dụng cụ y tế
-
Truyền máu không an toàn
- Lây từ mẹ sang con: Viêm gan B có thể lây từ mẹ sang con trong lúc sinh. Đây là đường lây truyền phổ biến nhất tại Việt Nam và là nguyên nhân gây viêm gan B thường gặp nhất. Nhiều phụ nữ mang thai không biết mình bị viêm gan B do không có triệu chứng và không được xét nghiệm.
- Lây qua quan hệ tình dục với người nhiễm HBV: Viêm gan B có thể lây qua quan hệ tình dục khi không dùng bao cao su.
Hiện nay vẫn có một số hiểu nhầm về đường lây truyền viêm gan B. Nhiều người vẫn nghĩ rằng viêm gan B có thể lây qua đường ăn uống giống như viêm gan A.
Thực tế, vi rút viêm gan B KHÔNG lây truyền qua:
-
ăn uống chung, dùng chung cốc, chén, bát đũa
-
làm việc chung cùng cơ quan, văn phòng
-
ôm, hôn
-
ho hoặc hắt hơi
-
bắt tay
-
muỗi đốt
-
cho con bú sữa mẹ
HBV gây ra tình trạng viêm gan cấp tính, có thể kéo dài trong nhiều năm hoặc kéo dài cả đời (viêm gan mạn tính) dẫn tới xơ gan hay ung thư gan.
Nhiễm HBV cấp tính
Viêm gan B cấp tính khởi phát nhanh trong thời gian ngắn sau khi nhiễm trùng HBV. Khoảng 70% người bị viêm gan cấp có một vài triệu chứng hay không triệu chứng. Số 30% còn lại có triệu chứng trong vòng 2-4 tháng sau khi tiếp xúc HBV. Khoảng thời gian từ sau khi tiếp xúc HBV đến khi có triệu chứng đầu tiên, gọi là thời gian ủ bệnh. Những triệu chứng viêm gan B cấp tính thường là mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, và đau bụng vùng gan, vàng da, vàng mắt.
Người mắc viêm gan B cấp tính có thể dẫn tới 1 trong 3 tình huống:
Tiến triển thành viêm gan tối cấp và tử vong do suy gan. Gây tổn thương nhiều tế bào gan nặng nề, dẫn tới suy gan cấp hoặc thậm chí tử vong. Rất may là điều này chỉ xảy ra ở tỷ lệ rất nhỏ (1%).
Phục hồi sau khi nhiễm trùng và tạo ra miễn dịch bảo vệ. Cơ thể loại bỏ vi rút viêm gan B sau vài tháng và tạo được miễn dịch bảo vệ suốt đời. Một số người, nhất là người trưởng thành, có khả năng thải trừ hoàn toàn HBV mà không cần điều trị gì. Người có khả năng thải trừ HBV sẽ miễn nhiễm với virus này và không thể bị nhiễm HBV nữa.
Tiến triển thành viêm gan B mạn tính: Cơ thể không loại bỏ vi rút dẫn tới mắc viêm gan B mạn tính, thường là suốt đời. Tỷ lệ chuyển sang mạn tính phụ thuộc vào độ tuổi khi nhiễm HBV. Đến 90% trẻ nhiễm HBV sẽ chuyển sang nhiễm HBV mạn tính, ngược lại, chỉ khoảng 5% người trưởng thành nhiễm HBV sẽ chuyển sang nhiễm HBV mạn tính.
Theo thời gian, nhiễm HBV mạn tính có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng lên gan như viêm gan mạn, xơ gan, ung thư gan và thậm chí tử vong.
- Nhiều người nhiễm HBV không biểu hiện triệu chứng gì, và thậm chí không nhận biết mình đang mang mầm bệnh.
- Nếu triệu chứng xuất hiện, có thể bao gồm: sốt, cảm thấy mệt mỏi hay chán ăn, cảm tháy khó chịu ở dạ dày, nôn ói, tiểu sậm màu, phân bạc màu, đau hạ sườn, vàng da hay vàng mắt.
Cách duy nhất để biết một người có nhiễm HBV hay không là làm xét nghiệm máu.
Xét nghiệm máu có thể xác định một người đã nhiễm bệnh và thải trừ mầm bệnh, người đang nhiễm HBV hay người chưa bao giờ tiếp xúc với HBV.
Các xét nghiệm máu này bao gồm: HbsAg (Kháng nguyên bề mặt), Anti-HBs (Kháng thể bề mặt virut viêm gan B), HbsAb (Kháng nguyên lõi bề mặt vi rút viêm gan B) và một số các xét nghiệm khác gồm xét nghiệm men gan AST, ALT, xét nghiệm HBeAg, Anti-HBe, Anti-HBc,... để đánh giá chức năng gan, lượng virus, khả năng nhân lên của virus.., từ đó đưa ra hướng điều trị thích hợp.
-
Xét nghiệm HBsAg: HBsAg chính là kháng nguyên bề mặt của virus viêm gan B. Nếu kết quả là HBsAg (+) nghĩa là cơ thể đang bị nhiễm virus viêm gan B.
-
Xét nghiệm Anti-HBs: đây là xét nghiệm kiểm tra khả năng miễn dịch của cơ thể đối với virus viêm gan B. Nếu một người đã được tiêm ngừa vắc xin viêm gan B hoặc đã bị nhiễm virus viêm gan B và khỏi bệnh, cơ thể sẽ tạo ra kháng thể chống lại virus và xét nghiệm anti-HBs sẽ cho kết quả dương tính . Nồng độ Anti-HBs >10mUI/ml được xem là có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi virus viêm gan B.
Hãy đến gặp bác sỹ để yêu cầu các xét nghiệm này.
-
Hiện chưa có phương pháp điều trị giúp cơ thể loại trừ hoàn toàn virut HBV. Hay nói cách khác, chưa có loại thuốc đặc hiệu để chữa khỏi hoàn toàn viêm gan siêu vi B. Tuy nhiên có thể điều trị nhằm kiểm soát diễn tiến bệnh và giảm ảnh hưởng lên gan.
-
Điều trị viêm gan B cấp tính
Viêm gan B cấp tính không cần sử dụng thuốc để điều trị. Vì thế, việc quan tâm đến sức khoẻ bệnh nhân là biện pháp duy nhất. Bệnh nhân bị viêm gan B cấp tính cần được nghỉ ngơi nhiều, cần ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nhất là chất đạm để giúp hồi phục các tế bào và chất đường. Ngoài ra cũng cần uống nhiều nước và tuyệt đối tránh rượu. Hạn chế tối đa việc dùng thuốc, vì có rất nhiều loại thuốc gây hại cho gan. Tốt nhất là chỉ dùng theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Sau khi khỏi bệnh, việc xác định lại bằng các xét nghiệm máu là hết sức cần thiết. Nếu sau 6 tháng mà vẫn còn có sự hiện diện của siêu vi trong cơ thể, hoặc nồng độ men gan ALT chưa trở lại bình thường thì có nghi ngờ là đã chuyển sang viêm gan mạn tính, cần phải tiếp tục theo dõi kỹ.
Nếu các xét nghiệm cho thấy không còn sự hiện diện của siêu vi B và men gan đã trở lại bình thường, điều đó cũng có nghĩa là người bệnh giờ đây đã được miễn nhiễm hoàn toàn đối với siêu vi B, người bệnh không cần thiết phải bị cách ly hay áp dụng các biện pháp phòng ngừa nào khác, bởi vì không còn có nguy cơ lây lan bệnh nữa.
-
Điều trị viêm gan B mãn tính
Khi đã xác định bị viêm gan siêu vi B mạn tính, thì mục đích chính trong việc chữa trị bệnh là nhằm kiểm soát được sự tăng trưởng của vi khuẩn trước khi gan bị tàn phá một cách vĩnh viễn. Tế bào gan là nơi sinh trưởng chủ yếu của siêu vi, nên trong việc điều trị, các biện pháp tác động là nhằm ngăn ngừa sự xâm nhập của siêu vi vào tế bào gan hoặc giảm thiểu đến mức tối đa mức sinh trưởng của chúng.
Hiện nay có 2 loại thuốc phổ biến được dùng trong việc điều trị viêm gan B mạn tính:
- Thuốc ức chế sao chép virus viêm gan B (dùng đường uống): Điều trị bằng thuốc kháng virus là quá trình điều trị lâu dài, người bệnh phải tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn sử dụng thuốc để tránh tạo ra các chủng virus đề kháng thuốc.
- Các thuốc tiêm để tăng cường hệ miễn dịch và làm cho virut không hoạt động như: Peg-Interferon, Interferon.
Interferon là một chất do chính các tế bào của cơ thể tạo ra để chống lại nhiều loại bệnh tật như cảm cúm, nhiễm trùng, ung thư ... Chất này giúp cho các bạch huyết cầu có khả năng tiêu diệt các loại vi trùng và siêu vi một cách nhanh chóng hơn, hiệu quả hơn. Thuốc này có thể trực tiếp tiêu diệt những siêu vi B đang di chuyển trong máu cũng như ngăn cản sự sinh trưởng của chúng trong những tế bào gan. Tuy nhiên Interferon có nhiều phản ứng phụ. Thường xuyên nhất là gây mệt mỏi, nhức đầu, đau mỏi các bắp thịt, khớp xương, cảm cúm, chóng mặt, buồn nôn, sốt nóng hoặc rét, mất ngủ, tiêu chảy, rụng tóc.
-
Lưu ý: Hiện nay chưa có bằng chứng về hiệu quả kết hợp thuốc kháng vi rút với thuốc tiêm Interferon trong điều trị viêm gan B mạn tính.
-
Tiêm vắc-xin để phòng ngừa HBV là biện pháp dự phòng hiệu quả nhất. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo tất cả trẻ em nên được tiêm phòng vắc xin viêm gan B. Đối với trẻ em ở khu vực có tỷ lệ nhiễm virut viêm gan B cao, nên tiêm vắc xin trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh và tiêm các liều sau đó theo đúng lịch tiêm chủng. Mặc dù bệnh viêm gan B có thể dự phòng được, tỷ lệ bao phủ vắc xin viêm gan B trên toàn cầu mới đạt 75% thấp hơn nhiều so với mục tiêu cần đạt là 90%; trong đó tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh (trong vòng 24 giờ đầu) mới đạt 27%.
-
Thông thường, liệu trình tiêm vắc-xin thường gồm 3 mũi tiêm trong khoảng thời gian 6 tháng. Một người cần tiêm đủ 3 mũi để nhận được hiệu quả dự phòng tối đa.
- Hầu như ai cũng có khả năng bị nhiễm HBV, có thể đã nhiễm từ nhỏ hay qua các tiếp xúc tình dục lúc trưởng thành.
- Hãy đến gặp bác sỹ để được tư vấn và xét nghiệm HBV.
- Nếu chưa có kháng thể với HBV, bạn hãy chích ngừa HBV càng sớm càng tốt.
- Hãy trao đổi cởi mở và chân thành với bạn tình của mình về HBV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
- Bài viết liên quan
-
Sự thật về HPV và nam giới
-
Dự phòng lây, nhiễm HIV
-
HIV và ma túy
-
Chlamydia
-
Viêm gan C